Than Thống Nhất Công tác đảng viên là toàn bộ những công việc như tạo nguồn, lựa chọn người ưu tú để kết nạp vào Đảng, giáo dục rèn luyện, phân công quản lý đảng viên, đánh giá, phát triển đảng viên và đưa người không đủ tư cách đảng viên ra khỏi đảng.
Công tác đảng viên có vị trí vai trò rất quan trọng. Làm tốt công tác đảng viên là quyết định nâng cao chất lượng đảng viên và toàn đội ngũ nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng ở mỗi thời kỳ.
Kiểm tra là xem xét kỹ đến chi tiết để xác định tính hợp pháp, mức độ đúng sai, xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét. Nhưng việc đánh giá, xác định, nhận xét đúng sai, tốt xấu phải căn cứ vào những tiêu chí văn bản đang có giá trị hiện hành so với thực tế của đối tượng được kiểm tra. Công tác kiểm tra của Đảng là hoạt động của Đảng, được tiến hành đối với tổ chức đảng và đảng viên nhằm nắm vững tình hình; nhận xét, đánh giá việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng; các Nghị quyết, Chỉ thị, quy định, quyết định của Đảng; xác định rõ sự đúng đắn hay vi phạm của các hành vi có liên quan đến kỷ cương, kỷ luật của Đảng.
Dưới đây là một số câu hỏi và trả lời về công tác đảng viên và kiểm tra
Hỏi: Xin cho biết quy trình chuyển giao tổ chức và chuyển sinh hoạt đảng tập thể cho đảng viên ở những nơi thành lập mới, chia tách, hợp nhất, sáp nhập đối với chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở? Cấp ủy cơ sở đóng dấu giáp lai vào lý lịch đảng viên, ảnh trong lý lịch đảng viên và phiếu đảng viên bằng con dấu nổi hay dấu ướt?
Trả lời:
Hướng dẫn số: 09-HD/BTCTW ngày 05/6/2017 của Ban Tổ chức Trung ương Hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng viên và công văn số: 3342-CV/BTCTW về đính chính Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 05/6/2017, hướng dẫn như sau:
* Đối với chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở
+ Nếu trong phạm vi đảng bộ cơ sở, thì đảng ủy cơ sở ra quyết định chuyển giao tổ chức và đảng viên; chi ủy nơi giao và nơi nhận lập biên bản bàn giao sổ danh sách đảng viên của chi bộ và cùng ký tên vào biên bản.
+ Nếu ngoài phạm vi đảng bộ cơ sở thì cấp ủy huyện và tương đương ra quyết định chuyển giao; đảng ủy cơ sở nơi nhận ra quyết định tiếp nhận tổ chức đảng và đảng viên; đảng ủy cơ sở nơi giao và nơi nhận lập biên bản bàn giao sổ danh sách đảng viên của chi bộ, kèm theo hồ sơ đảng viên, ký tên, đóng dấu của cấp ủy nơi giao, nơi nhận vào trang đầu sổ danh sách đảng viên và biên bản bàn giao.
* Đối với đảng bộ, chi bộ cơ sở
+ Nếu trong đảng bộ huyện và tương đương thì cấp ủy huyện và tương đương ra quyết định chuyển giao tổ chức đảng và đảng viên, đảng ủy cơ sở nơi giao và nơi nhận lập biên bản bàn giao sổ danh sách đảng viên của các chi bộ trực thuộc kèm theo hồ sơ đảng viên, ký tên, đóng dấu của cấp ủy nơi giao, nơi nhận vào trang đầu sổ danh sách đảng viên và biên bản bàn giao.
+ Nếu ngoài phạm vi đảng bộ huyện và tương đương thì cấp ủy tỉnh và tương đương nơi chuyển giao ra quyết định chuyển giao tổ chức đảng và đảng viên, cấp ủy huyện và tương đương nơi tiếp nhận ra quyết định tiếp nhận. Ban tổ chức của cấp ủy huyện và tương đương nơi giao và nơi nhận lập biên bản bàn giao sổ danh sách đảng viên của các chi bộ trực thuộc kèm theo hồ sơ đảng viên, ký tên, đóng dấu của ban tổ chức nơi giao, nơi nhận vào trang đầu sổ danh sách đảng viên và biên bản bàn giao.
Công văn số: 3342-CV/BTCTW ngày 02/8/2017 về việc đính chính Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW ngày 05/6/2017 của Ban Tổ chức Trung ương, hướng dẫn: Cấp ủy cơ sở đóng dấu giáp lai tất cả các trang trong lý lịch đảng viên, phiếu đảng viên, ảnh trong lý lịch đảng viên bằng con dấu ướt của cấp ủy.
Hỏi: Ủy ban kiểm tra các cấp kiểm tra đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm bao gồm những đối tượng nào?
Trả lời: Điểm 1.5, Khoản 1, Điều 30, Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định đối tượng kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của ủy ban kiểm tra các cấp gồm: “Đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, trước hết là cấp ủy viên cùng cấp, đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý; khi cần thiết thì kiểm tra đảng viên do tổ chức đảng cấp dưới quản lý”.
Như vậy, đối tượng kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm của ủy ban kiểm tra các cấp là đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, trước hết là cấp ủy viên cùng cấp, đảng viên là cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý và đảng viên do tổ chức đảng cấp dưới quản lý (khi cần thiết).
Hỏi: Có phải chỉ khi đảng viên bị truy tố, tạm giam mới thực hiện đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên đó?
Trả lời: Điểm 1.4, Khoản 4, Điều 40, Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương thi hành Chương VII, Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng quy định:
“Việc đình chỉ sinh hoạt đảng của đảng viên, đình chỉ sinh hoạt cấp ủy của cấp ủy viên, đình chỉ hoạt động của tổ chức đảng nhằm ngăn chặn hành vi gây trở ngại cho việc xem xét, kết luận của tổ chức đảng có thẩm quyền hoặc hành vi làm cho vi phạm trở nên nghiêm trọng hơn”.
“Đảng viên (kể cả cấp ủy viên) có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng mà có hành vi cố ý gây trở ngại cho hoạt động của cấp ủy và công tác kiểm tra của Đảng hoặc bị cơ quan pháp luật có thẩm quyền ra quyết định truy tố, tạm giam thì phải đình chỉ sinh hoạt đảng”.
Theo các quy định trên thì đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng trong các trường hợp sau:
1. Có hành vi gây trở ngại cho việc xem xét, kết luận của các tổ chức đảng có thẩm quyền, hoặc có hành vi vi phạm làm cho sự việc trở nên nghiêm trọng hơn.
2. Có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng kỷ luật đảng và có hành vi cố ý gây trở ngại cho hoạt động của cấp ủy và công tác kiểm tra của Đảng.
3. Bị cơ quan pháp luật có thẩm quyền ra quyết định truy tố, tạm giam.
Như vậy, đảng viên bị truy tố, tạm giam chỉ là một trong những trường hợp cụ thể để tổ chức đảng có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ sinh hoạt đảng đối với đảng viên./.
Thái Bình
Nguồn tin: Ban Tuyên giáo Đảng ủy Than Quảng Ninh
Ý kiến bạn đọc