Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (2/2/1908 -2/2/2018)

Thứ sáu - 02/02/2018 08:01 2.121 0
 Than Thống Nhất  Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (02/2/1908 - 02/2/2018) - Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh - Tổng Biên tập đầu tiên của Báo Lao Động, Đảng, Nhà nước và Tổng LĐLĐVN có nhiều hoạt động, hội thảo, tọa đàm đề cao vai trò, tư tưởng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với phong trào công nhân cách mạng trước Cách mạng Tháng Tám cũng như những giá trị còn lan tỏa tại thời điểm này, trong quá trình đất nước vươn mình trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (02/2/1908 - 02/2/2018).
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (02/2/1908 - 02/2/2018).
      Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những lãnh tụ xuất sắc của Đảng ta, một người con ưu tú của dân tộc đã trọn đời hy sinh vì tổ quốc. Đồng chí đã góp phần tích cực vào việc thành lập Đảng, thành lập Tổng Công hội Bắc Kỳ. Đồng chí cũng là người sáng lập, đồng thời là Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tại Hải Phòng, sáng lập và là Tổng biên tập đầu tiên của Báo Lao Động.

      Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, về sự giác ngộ chủ nghĩa cộng sản một cách sâu sắc, về tinh thần học tập, rèn luyện không mệt mỏi để nâng cao trình độ cả trong lý luận và thực tiễn.

      Tích cực đào tạo cán bộ cho phong trào cách mạng, đồng chí đã nêu cao tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng và phẩm chất đạo đức trong sáng, cao cả của người cộng sản. Đồng chí đã trọn đời hy sinh cho sự nghiệp độc lập tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân. Đồng chí xứng đáng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
2ndc
Báo Lao Động những số đầu tiên
4 số Báo Lao Động đầu tiên - những dấu ấn lịch sử
      Tháng 01/1930, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đứng ra tổ chức việc in ấn, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động cuốn sách “Sự nghiệp cách mạng của Lênin”. Sách in khổ giấy 12x16, dày 38 trang. Bìa trong của cuốn sách có in hình Lênin, do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh vẽ. Cuốn “Sự nghiệp cách mạng của Lênin” là cuốn tiểu sử, đồng thời cũng là cuốn sách lý luận phân tích chủ nghĩa Mác - Lênin.

      Với cương vị ủy viên thường vụ Xứ ủy phụ trách công tác tuyên huấn, đồng chí Nguyễn Đức cảnh đã lao vào công việc, không chùn bước trước mọi khó khăn thử thách. Trong hoàn cảnh địch ngày đêm lùng sục, tính mạng bị đe dọa, nhưng đồng chí đã sống và chiến đấu ngoan cường ngay tại Vinh - nơi sào huyệt của địch. Khi ở nhà, đồng chí phải thường xuyên làm việc trong buồng kín, ban ngày phải chọc thủng mái rạ để lấy ánh sáng; ban đêm thì đốt đèn sáp, phải che kín, không để lọt ánh sáng ra ngoài. Trong điều kiện đó, đồng chí Nguyền Đức Cảnh đã viết nhiều tài liệu tuyên truyền, trong số đó, nhiều bài in trên báo “Người lao khổ”, “Tiến lên”, mà đồng chí là người phụ trách.

      Là ủy viên thường vụ Xứ ủy phụ trách tuyên huấn, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã đóng vai trò quan trọng, cùng với Xứ ủy Trung Kỳ xây dựng được một hệ thống báo Đảng từ các cơ sở đến tỉnh và xứ. Những tờ báo đó và các tài liệu tuyên truyền khác đã góp phần củng cố giữ vững phong trào cách mạng của quần chúng trước sự khủng bố điên cuồng của địch; đập tan những luận điệu xuyên tạc của báo chí phản cách mạng; động viên cổ vũ quần chúng, bảo vệ Đảng, chống lại mọi âm mưu và hành động xảo quyệt của địch.

      Trong hoàn cảnh khó khăn thiếu thốn, phải đối phó với sự rình rập của mật thám, Báo Lao Động - cơ quan ngôn luận của Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ đã được chuẩn bị khẩn trương và kịp ra số đầu tiên ngày 14/8/1929.

      Với sự giúp đỡ của một cơ sở Đảng, ngày 14/8/1929, số thứ Nhất - số ra mắt của Báo Lao Động - được in bằng bản đất sét, trên giấy Đáp Cầu một mặt ráp một mặt nhẵn, khổ 22x30cm, ra đời trong căn phòng nhỏ 10m2 ở ngõ Thông Phong, phố Hàng Bột (cạnh hồ Văn, khu Văn Miếu, Hà Nội). Nhân sự tờ báo ban đầu do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Tổng biên tập, với 2 nhà báo là Trần Hồng Vận (Trần Học Hải) và một nữ đảng viên tên là Thu Vân.

      Một đảng viên Đông Dương Cộng sản Đảng là Nguyễn Công Miều đã mang 60 tờ Lao Động vào phân phát cho các cơ sở Công hội ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Số ra mắt của Báo Lao Động được trình bày đơn giản, nội dung truyền tải ngắn gọn đã thông báo cho toàn thể công nhân, lao động biết về sự kiện quan trọng là Tổ chức Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ được thành lập vào ngày 28/7/1929.

      Báo kêu gọi công nhân, lao động các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, đồn điền tham gia tổ chức Công hội, đoàn kết đấu tranh chống bọn tư bản - đế quốc. Măng - sét của báo dưới chữ Lao Động to đậm là dòng chữ: “Giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đoàn kết lại”. Tiếp đó, trang Nhất Lao Động có bài nói về Đại hội Đại biểu lần thứ Nhất của Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ. Bài viết thô sơ nhưng lời trần thuật đầy hứng khởi trong đó hiện rõ hình ảnh “anh B” - tức đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã chủ trì Đại hội.

      Số 2 và số 3 Báo Lao Động được in và phát hành trong tháng 9, 10/1929. Hai số này đã đăng một số bài của các đồng chí lãnh đạo Đông Dương Cộng sản Đảng, của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bàn về đường lối cách mệnh vận động, về vai trò - sứ mệnh lịch sử của công nhân, thợ thuyền trong công cuộc cứu nước. Đặc biệt, số 3 Báo Lao Động đã có bài của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phê phán những luận điểm sai lầm của tổ chức Việt Nam Quốc dân Đảng về lực lượng cứu nước.

      Để luận bàn về vấn đề quan trọng này, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và đồng chí Trần Học Hải đã nhiều lần gặp một số thành viên của Quốc Dân Đảng tranh luận về vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, của tổ chức Công hội Việt Nam. Bằng tài năng và uy tín của mình, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã được nhiều người bên Quốc Dân Đảng nể phục và có người trong số đó sau này đã ly khai khỏi hàng ngũ Quốc Dân Đảng, đi theo con đường cách mạng vô sản.
3ndc
Những số báo Lao Động đầu tiên đã ra đời tại một ngôi nhà ven hồ Hồ Văn,
khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội)
      Số 4 Báo Lao Động ra ngày 01/11/1929, rút kinh nghiệm in ấn trình bày từ 3 số trước, số báo này được cải tiến nhiều về hình thức, sắp xếp các nội dung quan trọng. Trang một ở bên trái có dòng chữ: “Anh chị em lao động muốn được giải phóng phải tự mình làm lấy” và ở bên phải: “Hỡi các anh em thợ thuyền muốn đòi lại các quyền lợi của mình phải vào công hội”.

      Thời điểm này trên đất nước ta, 3 tổ chức cộng sản đều đã ra đời, đều tăng cường công tác tuyên truyền, vận động để khuyến trương sức mạnh và uy tín trong giai cấp công nhân. Yêu cầu về việc thành lập 1 chính Đảng thống nhất đã chín muồi trong phong trào yêu nước của dân tộc, của giai cấp công nhân. Đặc biệt là tại Bắc kỳ, trung tâm của phong trào cách mạng và phong trào công nhân đang có nhiều cuộc đấu tranh quyết liệt. Số 4 Báo Lao Động đã đăng toàn văn bức thư của Đông Dương cộng sản Đảng gửi cho đoàn viên Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ, phản ánh những sự kiện tiêu biểu của công nhân, lao động.

      Lao Động số 4 đã kêu gọi các hội viên của Tổng Công hội Đỏ tổ chức đấu tranh đòi xóa bỏ các án trên của phong kiến Nam triều, tay sai của đế quốc thực dân. Ngoài ra, báo còn đưa tin về một số cuộc đấu tranh của thợ mỏ Đông Triều, công nhân dệt Nam Định, công nhân nhà máy xi măng Hải Phòng. Báo còn trích đăng cảm tưởng của 1 công nhân ở Hà Nội về sự kiện Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ ra đời “Thế là anh chị em chúng mình từ nay có người chỉ đường, dắt lối có đích mà theo. Xin chúc mừng các bác của Công hội vạn vạn tuế”.

Đóng góp to lớn cho phong trào cách mạng
      Với 4 số Báo Lao Động ra được từ tháng 8 đến tháng 11/1929, bằng ngôn ngữ cách mạng chính xác, dễ hiểu, gần gũi với đời sống của thợ thuyền, Lao Động đã nhanh chóng được phổ biến ra cả nước.

      Bằng nhiều con đường, nhiều cách thức giao nhận khác nhau, Lao Động đã có mặt ở các thành phố, các trung tâm công nghiệp, nhiều nhà máy, hầm mỏ, đồn điền ở những địa bàn chính trị - kinh tế quan trọng của chế độ thuộc địa như Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Vinh - Bến Thủy, Quảng Ninh.

      Các Đảng viên Cộng sản, các đoàn viên Công hội, khi đi gây dựng phong trào cách mạng cũng là những người phát hành Báo Lao Động, tờ báo của tổ chức Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ. Lao Động đã góp phần là vũ khí đấu tranh của công nhân, lao động. Cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền Phú Riềng ngày 01/5/1930, kẻ địch đã tịch thu nhiều tài liệu, sách báo cách mạng trong đó có tờ Lao Động của Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ.

      Sự xuất hiện của Báo Lao Động đã góp phần vào tiếng nói chung của báo chí cách mạng Việt Nam, tạo nên sự lo sợ của chính quyền thực dân. Chánh mật thám Bắc kỳ, chánh mật thám Trung kỳ, chánh mật thám Nam kỳ… đã có báo cáo lên chánh mật thám Đông Dương là Louis Marty rằng: “Cuối năm 1929, có nhiều bài báo của Cộng sản đã xuất hiện như Búa Liềm, Bôn sê vích, Lao Động”. Trong nhiều cuộc vây ráp, mật thám Pháp ở Sài Gòn đã thu được một số tờ Lao Động đem về lưu tại cơ quan lưu trữ của Bộ thuộc địa Pháp.

      Cũng bằng con đường bí mật, Lao Động đã được gửi sang Pháp, Trung Quốc, Liên Xô như một sự minh chứng về sự xuất hiện tổ chức Tổng Công hội Đỏ ở Đông Dương theo xu hướng tổ chức Quốc tế Công hội Đỏ. Sự kiện này mở đầu cho mối liên hệ về tư tưởng, tổ chức giữa phong trào công nhân, Công hội Đỏ Đông Dương với phong trào công nhân, Công hội Đỏ Quốc tế. Thông qua những nội dung thông tin của Lao Động, mà vô sản giai cấp thế giới đặc biệt là tại Pháp, Trung Quốc biết về sự kiện quan trọng xảy ra tại xứ Đông Dương thuộc địa.

      Sự kiện lịch sử tổ chức Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ được thành lập cũng như Báo Lao Động - cơ quan ngôn luận của phong trào Công đoàn Việt Nam - xuất bản 4 số trong những tháng cuối cùng của năm 1929, đã có giá trị lịch sử sâu sắc. Bằng nội dung, tiếng nói cách mạng của mình, Lao Động đã hòa mình vào dòng báo chí cách mạng Việt Nam, tạo nên sự chuyển biến sâu sắc của phong trào yêu nước, phong trào công nhân trong những năm 1925 - 1930.

      Lao Động của Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ đã mở đầu cho sự xuất hiện nhiều tờ báo của giai cấp công nhân, của tổ chức Công hội trong cuộc vận động giành chính quyền. Những giá trị về lý luận, về tư tưởng, về mục tiêu được Lao Động vạch ra từ tháng 8.1929 là định hướng cho các giai đoạn lịch sử tiếp theo. Từ đó sẽ có nhiều thế hệ phóng viên cầm bút làm vũ khí chiến đấu, sẽ kế thừa và tiếp tục các công việc của những chiến sỹ - phóng viên cách mạng là Nguyễn Đức Cảnh, Trần Học Hải, nữ đồng chí Vân… Cho dù trong buổi ban đầu văn phong, từ ngữ, hình thức trình bày còn mộc mạc, giản đơn nhưng Báo Lao Động, cơ quan ngôn luận của Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ, chính là tiền thân lớn của tờ Lao Động cơ quan của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tiếng nói của công nhân, viên chức, lao động Việt Nam hôm nay.

      Các thế hệ làm Báo Lao Động về sau luôn biết ơn lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh, Tổng biên tập đầu tiên của báo, luôn lấy tấm gương hy sinh cao cả của ông để nhìn lại mình và nỗ lực phấn đấu cho sự nghiệp chung của đất nước: Không có gì quý hơn Độc lập - Tự do; Tất cả vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh!

Ngọc Quý (ST)

Ghi rõ nguồn "Than Thống Nhất - TKV" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây