Đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong ngành Than: Động lực tăng trưởng bền vững

Thứ bảy - 28/03/2020 16:02 738 0
Với mục tiêu nâng cao năng suất lao động, cải tiến điều kiện làm việc, đảm bảo an toàn tối đa cho công nhân, lao động, những năm qua, ngành Than đã không ngừng chú trọng đầu tư, đẩy mạnh áp dụng những công nghệ, thiết bị mới vào các khâu sản xuất.
Sử dụng máy siêu âm thành lỗ khoan thăm dò tại Công trường Khai thác than (Công ty Than Hòn Gai).
Sử dụng máy siêu âm thành lỗ khoan thăm dò tại Công trường Khai thác than (Công ty Than Hòn Gai).

      Làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến

      Ông Nguyễn Ngọc Cơ - Phó Tổng Giám đốc TKV cho biết: Trong thời gian qua, ngành Than đã đẩy mạnh đầu tư, đổi mới, ứng dụng tiến bộ KH&CN vào hoạt động khai thác, chế biến than. Đồng thời, ưu tiên cho hoạt động nghiên cứu, nâng cao tiềm lực, phát triển nguồn nhân lực KH&CN. Đến nay Tập đoàn đã và đang làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới; chủ động chế tạo, nội địa hóa nhiều máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất.

      Trong khai thác than lộ thiên, các đơn vị của TKV đã cơ bản thực hiện cơ giới hóa (CGH) ở tất cả các khâu sản xuất. Đồng thời, tiến hành áp dụng đồng bộ thiết bị CGH công suất lớn để giảm chi phí, như: Máy khoan đường kính lớn, máy xúc thủy lực gầu ngược dung tích 12m3; hệ thống vận tải liên hợp ô tô - băng tải; sử dụng máy cầy xới thay thế một phần công nghệ khoan nổ mìn tại các khu vực phù hợp.

      Việc đẩy mạnh CGH trong khai thác hầm lò cũng được TKV chú trọng, coi đây là nhiệm vụ then chốt để nâng cao năng suất, sản lượng và đảm bảo an toàn lao động. Nhiều công nghệ tiêu biểu đã được áp dụng tại các đơn vị hầm lò như: Lò chợ CGH đồng bộ công suất 1,2 triệu tấn/năm; CGH kết hợp giá khung, giá xích; giàn chống mềm ZRY tại các khu vực vỉa dày trung bình, dốc đứng để thay thể công nghệ đào lò lấy than, buồng thượng, dọc vỉa phân tầng; CGH đào lò, chống lò bằng vì neo… Các công nghệ tự động hóa, tin học hóa trong vận hành, điều khiển giám sát cũng được áp dụng triệt để, nhằm hiện đại hóa quá trình sản xuất, giảm lao động thủ công trực tiếp, tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

sa2
Thu hồi than bằng sơ đồ công nghệ khai thác lò chợ xiên chéo, chống giữ bằng giàn chống mềm ZRY đang được áp dụng
tại Công ty CP Than Vàng Danh.

      Nhờ áp dụng hiệu quả cơ giới hóa, hiện đại hóa, sản lượng và năng suất khai thác than của một số đơn vị của TKV tăng lên đáng kể, góp phần giúp Tập đoàn thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2019, TKV khai thác được hơn 40,5 triệu tấn than (tăng 3,9 triệu tấn so với năm 2018); than tiêu thụ hơn 45 triệu tấn (tăng 4,5 triệu tấn so với năm 2018); lợi nhuận đạt hơn 3.000 tỷ đồng; thu nhập bình quân 11,3 triệu đồng/người/tháng.

      Bên cạnh đó, số lao động Tập đoàn đã giảm khoảng 25 ngàn người; năng suất lao động tăng bình quân từ 3-5% mỗi năm; sản lượng khai thác bằng CGH đạt 11,66% năm 2019. Lợi ích kinh tế từ việc đổi mới công nghệ, tin học hóa, tự động hóa trong khối than ước đạt trên 250 tỷ đồng/năm.

      Nâng giá trị hòn than

      Theo kế hoạch của TKV, trong giai đoạn tiếp theo, mục tiêu điều hành kế hoạch của Tập đoàn là duy trì sản xuất ổn định, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức, mô hình quản trị phù hợp, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo phát triển bền vững, cải thiện thu nhập, điều kiện làm việc và phúc lợi cho người lao động, đặc biệt là thợ lò.

      Với mục tiêu đó, TKV tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới, hoàn thiện tổ chức quản lý và sản xuất, đưa KH&CN phát triển với 3 trọng tâm: Cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào tất cả các lĩnh vực sản xuất kinh doanh (từ khai thác, sàng tuyển, chế biến). Coi đây là chìa khóa để tăng năng suất lao động, giảm tổn thất tài nguyên, tiết kiệm chi phí.

sa3
Giám sát qua hệ thống camera tại Trung tâm điều hành sản xuất tập trung (Công ty CP Than Hà Lầm).

      Đồng thời tăng cường bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới, nâng cao chất lượng lao động để tiếp cận công nghệ mới, tiến tới vận hành quản lý nguồn nhân lực bằng tin học hóa. Đặc biệt, đẩy mạnh ứng dụng CGH đồng bộ trong khai thác than hầm lò; chú trọng việc triển khai nghiên cứu áp dụng CGH hạng nhẹ, để tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, giảm nguy cơ mất an toàn.

      Theo Phó Tổng Giám đốc TKV, trong định hướng đến năm 2025, TKV phấn đấu sẽ ứng dụng rộng rãi CGH đồng bộ và bán CGH vào các công đoạn sản xuất chính trong khai thác, chế biến. Đồng thời, nâng sản lượng than khai thác bằng CGH và mét lò chống neo đạt từ 25-30% tổng mét lò đào mới. Tiếp tục triển khai các hệ thống tự động hóa trong điều khiển, giám sát cung cấp điện, vận tải băng tải, thông gió, bơm nước và quan trắc môi trường; đưa vào vận hành hệ thống SCADA giám sát, điều khiển tập trung toàn mỏ/nhà máy tích hợp tại các đơn vị khai thác, lộ thiên, sàng tuyển, chế biến; đến năm 2025, một số mỏ đạt mức tự động hóa cao, có thể điều khiển và giám sát từ xa tại phòng tập trung.

      Tập đoàn cũng sẽ nghiên cứu xây dựng một số trạm vận hành không người trực; thực hiện mô hình tự động hóa gắn với sản xuất thông minh ở một số công đoạn sản xuất nhằm mục tiêu minh bạch hóa và tối ưu hóa quá trình sản xuất. Đặc biệt, không để xảy ra các vụ tai nạn, sự cố nghiêm trọng về khí, cháy mỏ, bục nước mỏ và ngập mỏ hầm lò, đáp ứng các yêu cầu ổn định sản xuất của mỏ./.

NQ (ST)

Nguồn tin: Theo Nguyên Ngọc - baoquangninh.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây