Khoảnh khắc đẹp của Sống ở Mỏ

Thứ hai - 30/03/2020 10:13 1.187 0
Khoảnh khắc đẹp của Sống ở Mỏ
sm 2
sm 3
MC Thảo Vân nổi tiếng với sự duyên dáng, thông minh đã thể hiện bản lĩnh và sự “không sợ thất bại” của mình trong tất cả các trải nghiệm mà chương trình “Sống ở mỏ” giao cho. Từ trải nghiệm đầu tiên là làm việc “siêu đơn giản” tại nhà đèn gồm phát đèn và bình tự cứu cho công nhân, đến công việc tại nhà giặt sấy, làm ở khu nhà ăn, rồi tới trại chăn nuôi của mỏ, đặc biệt hơn nữa là thử sức nhảy flashmod với đội múa của Than Vàng Danh để mừng sinh nhật những người thợ lò ngay tại sân khấu khu tập thể 314… MC Thảo Vân đều thích nghi nhanh chóng. Có lẽ bởi vậy mà biệt danh “chị đại đảm đang” đã được cả đoàn ưu ái đặt cho chị.
sm 4
MC Thảo Vân đã chia sẻ, chị ấn tượng với những người thợ lò khi tan ca mặc dù mặt lấm đầy bụi than đen, mồ hôi thấm ướt quần áo nhưng họ vẫn nở nụ cười tươi rói, đầy thiện cảm với những hàm răng trắng. Nhìn họ chị cảm nhận được phần nào những công việc vất vả dưới lò sâu của họ. Chị cũng ấn tượng với cả những chị em ở nhà ăn khi thấy ai ai cũng đều làm việc rất trách nhiệm, cẩn thận, tỉ mỉ từng công đoạn, chi tiết nhỏ như chiếc tăm được để sẵn trong mỗi suất cơm đưa xuống hầm lò cho thợ mỏ. Chị càng cảm động hơn khi biết được tình yêu, tình người được gửi gắm qua đó. Bởi mỗi chị em phục vụ đều xem việc nấu ăn cho thợ lò như nấu cho chính chồng, con, anh em, người thân trong gia đình mình vậy.
 
sm 5
sm 6
Đội 1 gồm diễn viên Phùng Cường và nhà báo Đình Thắng. Diễn viên Phùng Cường dù có sở thích khám phá và trải nghiệm nhưng cũng có sự e ngại bởi nỗi sợ bóng tối của những đường hầm khi tham gia chương trình. Tuy nhiên, Phùng Cường đã thể hiện từ sự bất ngờ này đến bất ngờ khác bởi mọi thứ mang lại từ những thử thách anh tham gia đều khác xa so với những gì anh tưởng tượng. Đó là cảm nhận về một buổi sáng yên bình, nhẹ nhàng và trong lành ở mỏ; sự thoải mái, dễ chịu trong bộ đồ lao động của người thợ dù trước đó tâm lý rất ngại ngần với những thứ như ủng, đồ bảo hộ lao động; niềm vui sướng khi hoàn thành được nhiệm vụ sửa đầu tàu 8 tấn dưới mức -50; hay thú vị với hành trình về thăm nhà thợ lò Dương Văn Nghĩa tại Hải Dương và những cảm nhận về cuộc sống của anh công nhân mỏ đậm chất nghệ sĩ này… Để rồi sau chương trình này, Phùng Cường thấy thấm thía ý nghĩa của lao động thực sự, thấu hiểu sự vất vả của thợ mỏ và nhận thấy bản thân cần rèn luyện cho mình tính kỷ luật như những người thợ mỏ.
 
sm 7

Trầm tính hơn và cách nhà báo Đình Thắng lựa chọn là quan sát, lắng nghe và thực hiện những công việc trải nghiệm mà mình và người em cùng đội được giao cho dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn của những người thợ. Để rồi cũng như người em Phúc Cường, qua chương trình, ngoài những thấu hiểu về công việc vất vả của người thợ, Đình Thắng còn cảm nhận được cuộc sống mang đầy tính nghệ sỹ của những người thợ mỏ, rồi tự lý giải cho lý do vì sao lại có nhiều bài hát hay về thợ lò và ngành mỏ như thế.
sm 8

Từ một cô diễn viên trẻ có những hiểu biết ban đầu về nghề mỏ “hơi tiêu cực” với sự vất vả, nhiều rủi ro, Phương Anh bước vào chương trình với tâm thế của một người trẻ tuổi và muốn được thử sức mình.
 
sm 9
 

Cô gái xinh xắn, có đôi chút hơi tiểu thư đã phải trải nghiệm những công việc mà trước đó cô chưa bao giờ phải làm. Bắt đầu bằng công việc tại Nhà ăn số 2 của mỏ mà Phương Anh gọi vui là “đại chiến tại nhà ăn”. Cứ nghĩ công việc sẽ không làm khó được mình nhưng Phương Anh đã không hề nghĩ là mình phải đứng cùng mọi người thái đến 50kg thịt, hay lần đầu tiên được cầm xẻng nấu thức ăn để phục vụ mấy trăm suất ăn cho công nhân mỏ. Rồi cả thử thách tại nhà giặt, hay khu khâu vá quần áo cho thợ lò… đều là những thử thách không hề dễ dàng với Phương Anh.

Điều mà Phương Anh nhận ra sau những trải nghiệm trong “Sống ở mỏ” đó là bất cứ phần việc nào ở mỏ cũng đều không dễ dàng và những người thợ mỏ nơi đây rất chăm chỉ, làm việc nghiêm túc, đầy trách nhiệm. Và ấn tượng của Phương Anh để lại trong lòng những người thợ mỏ Vàng Danh là một cô gái trẻ trung, hồn nhiên và vui tính. Có thể đâu đó có sự “trốn việc” những lúc mệt mỏi vì chưa thích ứng với nhiệm vụ được giao nhưng Phương Anh đã góp tiếng cười vui, giây phút bông đùa hóm hỉnh xua đi mệt mỏi của công việc cho những thợ mỏ ở những nơi cô đi qua.

sm 10
sm 11
Đội 2 gồm Nhà báo Hoàng Minh Trí và ca sỹ Phúc Tiệp đã cùng nhau trải qua những thử thách đáng nhớ của chương trình như: vào ca 3 cùng làm việc với những người thợ; đảm nhận một buổi phát thanh mỏ; nhận nhiệm vụ sửa chữa thiết bị mỏ; thử thách bản thân khi đeo trên mình bình máy thở nặng 12kg phục vụ công tác cứu hộ…
sm 12
Nhưng có lẽ, mọi cảm xúc của hai người bạn đồng niên này đã được thể hiện qua nội dung buổi phát thanh mỏ mà họ thực hiện. “Trong hơn 40 năm cuộc đời tôi đã bắt gặp nhiều nụ cười khác nhau và tôi chợt nhận ra rằng, nụ cười đẹp nhất là nụ cười của người thợ mỏ lúc tan ca, khi giao thoa với ánh sáng mặt trời nơi cửa hầm. Có lẽ không ai biết rõ về bóng tối hơn những người thợ mỏ, cái công việc lương thiện, đẫm mồ hôi, nặng nhọc mà người ta hay miêu tả lại rằng: “Ăn cơm dương gian, làm việc địa phủ”. Trong một đêm, được chứng kiến công việc khai thác than dưới hầm lò, nơi không khí khô cứng như bóp ngẹt cổ họng, lại là nơi các bạn đón nhận những điều đó một cách vui vẻ để làm ra vàng đen cho đất nước. Chúng ta không thể làm thay công việc của nhau, nhưng tôi tin chắc rằng, phải cần đến sự đồng cảm để thấu hiểu lẫn nhau, nghề nghiệp nào cũng đều rất cao quý.” - đó là “lời tỏ tình cùng đất mỏ” đến từ nhà báo Hoàng Minh Trí gửi gắm tới đồng bào khu mỏ kết hợp với giọng đọc truyền cảm của ca sĩ Phúc Tiệp càng thể hiện rõ hơn tình cảm sâu sắc, sự đồng cảm, sẻ chia với những khó khăn vất vả của những người thợ mỏ sau thời gian gắn bó nơi hầm lò. Ca sỹ Phúc Tiệp cũng chia sẻ thêm rằng, anh thấy mình đã làm được điều quan trọng là trải nghiệm đến tận cùng những cảm xúc của bản thân mình, để biến nó thành năng lượng tích cực cho bản thân, từ đó đóng góp sức mình lan toả hơn nữa của hình ảnh người công nhân thợ mỏ đến với công chúng nghe nhạc. 
sm 13
sm 14

Đội 3 gồm Đầu bếp Văn Thái và Họa sỹ Ngô Cường. Trải qua những thử thách chương trình giao cho như: khoan lỗ mìn tại lò chợ; nhặt phế liệu trên băng chuyền… cả hai người đều thốt lên rằng “Thật sự tất cả đều là những điều lần đầu tiên thử sức”. Đầu bếp Văn Thái với “nỗi sợ không gian chật hẹp” đã chia sẻ sự e ngại khi phải trải nghiệm công việc của thợ mỏ dưới một không gian tối tăm. Và kết quả thu lại sau ngày làm việc đầu tiên dưới mức -50 của anh “là một ngày thực sự đáng nhớ”. Hai anh em sau những giờ lao động hăng say cùng thợ mỏ đã có những giây phút nghỉ ngơi quý giá. Với Văn Thái là sự mừng rỡ khi được nhận hộp cơm ăn ngay trong lò, được nghe anh thợ lò đọc những bài thơ giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Còn với hoạ sỹ Ngô Cường, anh đã có thời gian phác họa những bức vẽ đầu tiên về người thợ mỏ và công việc ngay trong lò.

“Sau những trải nhiệm đáng quý ở mỏ và được tiếp xúc với những người thợ mỏ, ngoài thành quả là những bức phác hoạ ngay trong lò hay những nguồn cảm hứng sáng tác những bức hoạ về đề tài người thợ lò ngành Than, cũng như người công nhân lao động nói chung còn là nguồn năng lượng cho cuộc sống của chính mình, thấy thêm yêu đời và trân quý cuộc sống” - là những chia sẻ của hoạ sỹ Ngô Cường sau khi kết thúc chương trình.

sm 15

Ngoài những thử thách mà chương trình “Sống ở mỏ” đưa ra cho các nhân vật trải nghiệm, còn có rất nhiều những hình ảnh đẹp để lại minh chứng cho tình cảm, sự gắn kết của ê kíp chương trình với cán bộ công nhân viên và thợ mỏ Than Vàng Danh. Đó là buổi giao lưu văn nghệ sôi nổi ngay tại căng tin của khu tập thể với sự hoà giọng của các nhân vật tham gia trải nghiệm và những người thợ mỏ; là trận đá bóng đầy hữu nghị để cùng chung tay quyên góp tiền xây cầu dân sinh; là phối hợp tổ chức một buổi sinh nhật đặc biệt đáng nhớ cho thợ mỏ Vàng Danh; là mang tiếng hát của những nghệ sỹ xuống tận sân ga song loan như một món quà tinh thần muốn dành tặng cho những người thợ mỏ mà họ rất trân trọng và dành tình cảm yêu quý…
 
sm 16

Chương trình thực tế “Sống ở mỏ” đã khép lại với nhiều cảm xúc mang lại cho những nhân vật trải nghiệm và khán giả xem truyền hình. Với 8 nhân vật tham gia, họ đã được trải qua những thử thách cam go nhưng đầy thú vị và ý nghĩa. Họ đều chưa có những mường tượng cụ thể về nghề thợ mỏ. Để sau khi họ hoàn thành những công việc trải nghiệm ở mỏ, họ thấy mình thực sự xứng đáng và tự hào khi là những “công dân” danh dự qua thời gian sống và gắn bó với nơi đây. Và qua chương trình này, những khác giả của cả nước có được cái nhìn chân thực về một bức tranh cụ thể nhất, thuyết phục nhất, thực tế nhất về cuộc sống, công việc, tình yêu của những người thợ mỏ. Còn với cán bộ công nhân viên Than Vàng Danh, lời chia sẻ của Giám đốc Phạm Văn Minh dường như đã nói hộ tiếng lòng của họ: “Dòng than của Vàng Danh hòa chung cùng dòng suối than của đất nước. Dòng than ấy có mồ hôi, nước mắt và cả máu của những thế hệ cán bộ, công nhân Than Vàng Danh. Nhưng thật vui và hạnh phúc khi những ngày qua, dòng than đó đã được cùng với các nhân vật trải nghiệm của đoàn phim “Sống ở mỏ” cùng chứng kiến và hòa chung trong dòng than ấy, tạo nên một dòng chảy thấm đẫm những tình cảm, sự sẻ chia để rồi tiếp tục chảy mãi và trở thành những kỷ niệm đẹp không thể quên đối với mỗi người và mỗi thợ mỏ Vàng Danh”.
sm 17

NQ (ST)

Nguồn tin: Thanh Thảo - Ảnh Phạm Cường (vinacomin.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây