Thợ lò trẻ

Thứ tư - 08/08/2018 00:01 947 0
Ngồi cạnh hai thanh niên trẻ trong một quán ăn sáng. Thấy tôi ngạc nhiên khi hai người gọi có một tô phở, một bạn trẻ phân trần: chú vào sau nên không biết, thằng bạn cháu ăn bát thứ hai đấy. Nó ngày nào cũng vậy, đi ca 2 về, ngủ dậy là ra đây làm 2 bát phở. Sức trẻ mà chú…
Thợ lò vào ca
Thợ lò vào ca

      Qua câu chuyện được biết Nông Văn Hà và Đàm Văn Thường là hai bạn trẻ người dân tộc Tày vừa từ Cao Bằng xuống Quảng Ninh học nghề Thợ lò và ra trường làm việc tại Công ty than Quang Hanh. Theo Hà tâm sự thì các em rất vui vì đã có cơ hội kiếm được công ăn việc làm, tuy có vất vả nhưng bù lại có thu nhập khá cao, đảm bảo trang trải được cuộc sống cho bản thân và hỗ trợ gia đình. Trước đây, công việc của các em ở quê nhà chủ yếu là đi rừng và phụ giúp bố mẹ làm nương, chăn nuôi, trồng trọt, thu nhập rất thấp. Học xong phổ thông, ở nhà hơn ba năm chẳng biết làm gì, nhà lại đông anh em, không có điều kiện học hành nên việc gặp các anh chị cán bộ tuyển sinh Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam được các em cho là một cơ hội . Thế là các em rủ nhau xuống Quảng Ninh học tập để đi làm.

      Nói về công việc, Thường nhanh nhảu cho biết, lần đầu tiên thực tập, đi vào hầm lò sâu, em cảm thấy lạ lẫm và có nhiều bối rối, thậm chí là lo lắng, không biết là mình có thể làm việc được trong môi trường này không?! Mặc dù trước đó, trên các phương tiện thông tin đại chúng, em cũng đã biết thợ lò không phải là một việc an nhàn nếu không nói là khó khăn, vất vả. Nhưng càng ngày, em càng cảm thấy công việc phù hợp với bản thân, gia đình mình. “Đến nay đã gần một năm chúng cháu đi làm. Chúng cháu đã quen với công việc. Cứ ăn khỏe, ngủ khỏe, đi làm đều là thu nhập cũng khá cao. Bình thường mỗi tháng cháu được 13-14 triệu đồng, có tháng cao hơn cháu được 16-17 triệu đồng. Bạn Hà trực cơ điện thì thấp hơn đôi chút…” - Thường tâm sự. Thường cũng cho biết thêm, với số tiền đó, các em chi tiêu một phần cho bản thân, còn lại gửi về phụ giúp gia đình, sửa sang nhà cửa, làm vốn canh tác và cho các em ở nhà ăn học, chứ ở nhà kiếm được đồng tiền không hề dễ dàng. Khi được hỏi về chuyện xây dựng gia đình, cả hai bạn trẻ đều tươi cười bẽn lẽn. Hà bảo, em mới ra trường, còn trẻ, bây giờ chỉ tính chuyện làm ăn tốt, giữ gìn sức khỏe, đi làm đủ ngày công để có thu nhập cao đã, chuyện vợ con tính sau…

      Hiện nay, tại vùng Than có khá nhiều bạn trẻ là người dân tộc thiểu số tại các tỉnh phía Bắc xuống Quảng Ninh lập nghiệp. Tỷ lệ này đến nay chiếm khoảng từ 25 -35% trong tổng số thợ lò làm việc tại các đơn vị. Khắp các tỉnh thành trên vùng núi phía Bắc, nhiều thanh niên trẻ đã được tiếp xúc với cán bộ tuyển sinh trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam đến tuyển sinh. Nhiều nơi đã trở thành phong trào, được các tổ chức đoàn thể đưa vào sinh hoạt chuyên đề, hướng nghiệp cho thanh niên trẻ đi học nghề tại các tỉnh khác, trong đó có nghề mỏ tại Quảng Ninh. Để hiểu biết hơn về văn hóa các dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp xúc, tuyên truyền sâu rộng hơn về nghề nghiệp đến các bạn trẻ là người dân tộc thiểu số, các cán bộ tuyển sinh của Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam phải tìm hiểu kỹ lưỡng về những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào. Thậm chí, nhiều cán bộ còn phải học tập thêm về ngôn ngữ riêng của mỗi dân tộc. Ý tưởng này cũng đã được đề xuất đến các đơn vị là bồi dưỡng ngôn ngữ dân tộc thiểu số cho cán bộ cấp công trường, phân xưởng thường xuyên làm việc với công nhân là người dân tộc thiểu số. Điều này thực sự cần thiết khi tỷ lệ công nhân lao động hầm lò là người dân tộc thiểu số ngày càng gia tăng tại các đơn vị sản xuất than.

Ngọc Quý (ST)

Nguồn tin: vinacomin.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây