Giải pháp nào “giữ chân” công nhân mỏ?

Thứ bảy - 20/06/2020 06:58 1.300 0
Giúp người lao động đảm bảo việc làm và đời sống chính là giải pháp giúp ngành than “níu” chân công nhân mỏ trong điều kiện khó khăn hiện nay.
Ảnh minh họa: NQ (ST)
Ảnh minh họa: NQ (ST)
      Theo lộ trình, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ giảm dần sản lượng than khai thác lộ thiên và tăng dần sản lượng khai thác hầm lò. Vì vậy, làm thế nào để thu hút được nguồn nhân lực thợ lò luôn là điều trăn trở đối với lãnh đạo Tập đoàn cũng như các đơn vị trực thuộc. Tìm biện pháp thúc đẩy thị trường tiêu thụ để tăng doanh thu, giúp người lao động đảm bảo việc làm và đời sống chính là giải pháp giúp ngành than “níu” chân công nhân mỏ trong điều kiện khó khăn hiện nay.

      Theo TKV, đối với thợ mỏ hầm lò, Tập đoàn xác định đây là đối tượng lao động phải làm việc trực tiếp trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và tiềm ẩn rủi ro, cho nên được quan tâm nhiều hơn so với các lực lượng lao động khác. Những năm gần đây, cứ khi nào có điều kiện cân đối được tài chính là Tập đoàn đều chỉ đạo tăng lương cho thợ lò với tốc độ tăng cao hơn các khu vực khác. Trong thời gian qua, chế độ đãi ngộ về tiền lương và chế độ ăn ca cũng như về điều kiện cơ sở vật chất cho cán bộ công nhân viên, nhất là thợ lò luôn được TKV đặc biệt quan tâm.

      Riêng năm 2019, TKV đã chỉ đạo tăng lương cho người lao động 2 đợt. Cụ thể, đợt 1 vào 1/1/2019 tăng 5% cho thợ lò làm việc trực tiếp tại gương than. Đợt 2 từ 1/7/2019 tăng cho tất cả các đối tượng lao động; trong đó, ngoài việc tiếp tục tăng thêm 13% tiền lương cho thợ lò, Tập đoàn còn tăng tiền lương cho các đối tượng khác nhất là đội ngũ Quản đốc, Trưởng Phòng và cán bộ quản lý phòng ban là những đối tượng mà những năm trước chưa có điều kiện tăng lương.

      Đồng thời, Tập đoàn cũng phối hợp với các đoàn thể thực hiện chăm lo chế độ chính sách đối với người lao động. Tính đến hết năm 2019, lao động trong danh sách Tập đoàn là 96.977 người, giảm 1.398 người so với năm 2018. TKV đã đề ra mục tiêu kiểm soát không tăng lao động mặc dù khối lượng công việc cao hơn rất nhiều. Tất cả lao động trong các khối đều giảm, riêng thợ lò tăng 1.222 người. Như vậy, trong 2 năm liên tiếp Tập đoàn có tăng trưởng dương số thợ lò sau nhiều năm chỉ có giảm. Điều này chứng tỏ chính sách tăng tiền lương của TKV cho người lao động làm việc trong hầm lò đã phát huy tác dụng. 

      Tập đoàn đã chỉ đạo và tất cả các công ty than hầm lò đều đã đầu tư xây dựng các khu chung cư cho thợ lò ở. Mục tiêu đặt ra là làm sao để tất cả thợ lò độc thân hoặc gia đình ở xa đều có chỗ ở trong các khu chung cư đó để họ có điều kiện đi làm hàng ngày được tập trung, giảm thiểu tai nạn, rủi ro khi đi đường, đảm bảo sức khoẻ và không vướng vào các tệ nạn xã hội. Nhiều đơn vị trang bị thang máy và các thiết bị như máy lạnh, máy giặt, ti vi, tủ lạnh trong các phòng ở của thợ lò.

      Trong thời gian tới, Tập đoàn tiếp tục tăng cường mạng lưới tuyển sinh đảm bảo nguồn cung ứng lao động thợ lò; chú trọng đào tạo thợ lò, thợ cơ điện mỏ hầm lò một cách linh hoạt. Người học có thể là thợ khai thác học liên thông nghề cơ điện hoặc tuyển dụng thu hút người học để vận hành thiết bị. Sau đó, nâng dần trình độ thông qua đào tạo liên thông hoặc bồi dường nghề, thi nâng bậc.

      Cùng với đó, TKV đào tạo lại, đào tạo chuyển nghề những nghề TKV cần thu hút như tin học hóa, tự động hóa, địa chất, trắc đại…từ đội ngũ lao động có trình độ kỹ sư thực tế đang trực tiếp sản xuất. Ngoài ra, TKV cũng tiếp tục hoàn thành vượt mức kế hoạch tuyển sinh đào tạo, tái tuyển thợ lò, không để thiếu lao động cục bộ ở một số đơn vị sản xuất than hầm lò./.

NQ (ST)

Nguồn tin: Theo Thảo Nguyên (bnews.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây