Đợt mưa lũ lịch sử xảy ra tại Quảng Ninh cuối tháng 7, đầu tháng 8/2015 gây thiệt hại nặng nề cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung. Ghi nhận của các đơn vị thuộc TKV bị ảnh hưởng khi đó là khoảng 30 triệu m3 nước và 1 triệu m3 bùn đất đã chảy vào mỏ hầm lò.
Máy phun sương dập bụi cao áp được Công ty CP Than Cọc Sáu - Vinacomin đầu tư.
Điều này đã làm các mỏ hầm lò gia tăng lượng nước đột biến, nhiều mỏ bị ngập toàn diện hoặc ngập cục bộ, mỏ lộ thiên bị ngập moong khai thác, các tầng khai thác bị sạt lở, đường nội bộ bị chia cắt, bùn đất lấp đầy suối thoát nước, đập chắn. Hầu hết các tuyến đường ô tô và đường sắt vận chuyển than ra cảng, đường chuyên dụng bị sạt lở, hư hỏng, hệ thống suối thoát nước, hồ lắng, đập chắn đất đá bị lấp đầy.
Mặt bằng công nghiệp, nhà xưởng, công trình xây dựng bị bùn đất tràn lấp. Nhiều kho than bị vỡ tường chắn, đê bao, một số thiết bị nằm trong đất đá... Giá trị thiệt hại tài sản và chi phí khắc phục sau đợt mưa lũ này của TKV khoảng 1.145 tỷ đồng.
Bài học từ đợt mưa lũ năm 2015, TKV đã nhanh chóng triển khai Đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu cao nhất là đảm bảo sự phát triển hoạt động khai thác than hài hòa với môi trường, giảm những tác động bất lợi đến môi trường, nhất là trong mùa mưa bão. Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 5.208 tỷ đồng, trong đó TKV là 4024,8 tỷ đồng, Tổng Công ty Đông Bắc là 926,8 tỷ đồng, địa phương là 256,3 tỷ đồng.
Từ quyết tâm cao và sự chủ động dành nguồn lực, TKV đã thực hiện đạt tiến độ, chất lượng và hiệu quả các hạng mục thuộc Đề án đảm bảo môi trường cấp bách giai đoạn 2016-2020. Đến thời điểm này, toàn ngành đã hoàn thành 3 công trình ngăn đất đá chân bãi thải là đập số 8 bãi thải Bàng Nâu, mương thoát nước thải số 1 và 2 bãi thải Bàng Nâu, đập số 4, 5,6 chân bãi thải Bàng Nâu. Cùng với đó, 575ha cây xanh cũng được trồng mới, phủ kín khai trường, cải tạo phục hồi môi trường, bằng 140% khối lượng đề ra, riêng năm 2020 trồng được 81ha.
Về hệ thống cống thoát nước, 8 công trình đã được nạo vét, củng cố, so với Đề án là bổ sung thêm 2 công trình, bằng 133% khối lượng đề ra. Các đơn vị xây dựng đập hồ lắng đất đá đầu nguồn suối thoát nước với tổng số 11 công trình, tăng 3 công trình bổ sung theo thực tế, bằng 138% khối lượng đề ra.
Diện tích cây xanh phục hồi môi trường trên khu vực bãi thải Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin.
Trong nhiệm vụ di dân khỏi các khu vực có nguy cơ cao sạt lở, ngập lụt nguy hiểm, TKV đã về đích sớm, vào năm 2018 với tổng số 401 hộ dân đã di dời, bằng 104% kế hoạch.
Cũng trong năm này, TKV đã hoàn thành lắp đặt 35 hệ thống quan trắc môi trường tự động trạm xử lý nước thải mỏ và 1 hệ thống quan trắc môi trường khí thải Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả. Từ năm 2020 đến nay, TKV hoàn thành trạm rửa xe Máng ga Cọc Sáu - phường Cẩm Phú, tiếp tục đầu tư mở rộng nâng công suất 3 trạm xử lý nước thải mỏ khác, đây là nhiệm vụ phát sinh, nhằm để đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải trong tương lai.
Để giảm thiểu tiếng ồn và lượng bụi phát sinh trong sản xuất, TKV hoàn thành 13 công trình, trong đó bao gồm bổ sung 1 công trình di dời cụm sàng 2 Cọc Sáu và 2 hệ thống cấp nước chống bụi bãi thải, 6 công trình cải thiện môi trường cảnh quan kho cảng tập trung và mặt bằng sản xuất. Trong 2 năm gần đây, TKV đầu tư 12 máy phun sương dập bụi cao áp, các đơn vị thuộc ngành lắp đặt thêm 48 máy, nâng tổng số máy phun sương toàn ngành là 70 máy. Đặc biệt, sự kiện TKV chấm dứt hoạt động Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng năm 2019 và hoàn thành xây dựng Trung tâm chế biến và kho than tập trung vùng Hòn Gai giai đoạn 1 theo đúng cam kết với tỉnh Quảng Ninh được đánh giá là sự đầu tư kiên quyết vì công tác môi trường của tập đoàn công nghiệp này.
Như vậy đến hết năm 2020, TKV đã hoàn thành vượt mức khối lượng các công trình môi trường đề ra trong Đề án, giá trị thực hiện là 3.672,1 tỷ đồng. Nhờ đó, môi trường vùng than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được cải thiện rõ rệt, không có điểm gây ô nhiễm môi trường, không có điểm nóng về môi trường, không có sự cố môi trường, không còn nguy cơ mất an toàn do ảnh hưởng khai thác than đến các khu dân cư xung quanh trong mùa mưa bão./.