Công nghiệp Quảng Ninh: Vững vàng phát triển

Thứ hai - 16/05/2022 11:41 331 0
Những tháng đầu năm 2022, ngành công nghiệp Quảng Ninh trên đà phát triển mạnh mẽ. Nhiều chỉ số sản xuất công nghiệp đến hết tháng 4 tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021. Ngành công nghiệp đang trở thành ngành kinh tế chủ lực, "bệ đỡ" cho nền kinh tế của tỉnh trong bối cảnh ngành dịch vụ, du lịch mới đang trên đà phục hồi.
Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Compettion Team Technology Việt Nam (Tập đoàn Foxconn) tại KCN Đông Mai.
Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Compettion Team Technology Việt Nam (Tập đoàn Foxconn) tại KCN Đông Mai.

      Nỗ lực của ngành Than

      Theo báo cáo của Sở Công Thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 4 tháng đầu năm của Quảng Ninh tăng 10,05% so với cùng kỳ năm 2021, đây là con số tăng cao nhất so với tốc độ tăng cùng kỳ 2 năm gần đây (4 tháng năm 2020 tăng 7,5%; 4 tháng năm 2021 tăng 6,65%). Trong đó, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng tăng 9,41% so với cùng kỳ (4 tháng năm 2020 tăng 6%; 4 tháng năm 2021 giảm 2,57%); chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,4% so với cùng kỳ (4 tháng năm 2020 tăng 6,69%; 4 tháng năm 2021 tăng 38,18%); chỉ số sản xuất ngành sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 6,13% so với cùng kỳ (4 tháng năm 2020 tăng 9,82%; 4 tháng năm 2021 tăng 2,24%).

      Trong 3 chỉ số sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh, nổi bật nhất là chỉ số sản xuất ngành khai khoáng, với trọng tâm là khai thác, sản xuất, tiêu thụ than. Nếu như so với cùng thời điểm tháng 4/2021, chỉ số sản xuất ngành khai khoáng ở mức tăng trưởng âm (giảm 2,57%), thì đến hết tháng 4/2022, chỉ số này tăng 9,41%.

      Để có được kết quả trên, ngay từ đầu năm, ngành Than đã bám sát vào mục tiêu, định hướng phát triển của tỉnh, từ đó có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất than tại các đơn vị trong ngành.

cq2
TKV sản xuất than nguyên khai 4 tháng năm 2022 đạt gần 15 triệu tấn.

      Ông Vũ Anh Tuấn - Bí thư Đảng ủy Than Quảng Ninh, Phó Tổng Giám đốc TKV, cho biết: Với tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trong cán bộ, công nhân, lao động ngành than đạt 100% mũi 1, đạt 99,1% mũi 2 và 95,3% mũi 3, đạt tỷ lệ cao nhất trong các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước đã tiếp sức, làm động lực cho ngành than phát huy cao độ tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm” để đẩy mạnh hoạt động khai thác, sản xuất, kinh doanh than. Đặc biệt, trên cơ sở kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2022 đối với ngành than, đơn vị đã giao từng mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm than, đáp ứng kịp thời nhu cầu cung ứng cho thị trường tiêu thụ.

cq3
Doanh thu than 4 tháng đầu năm 2022 của TKV đạt 28.600 tỷ đồng.

      Theo thống kê của TKV, nhờ các biện pháp điều hành, sản xuất linh hoạt, hiệu quả, đến hết tháng 4, các đơn vị ngành than đã sản xuất được gần 15 triệu tấn than nguyên khai, đạt 38% kế hoạch năm, bằng 110% so với cùng kỳ năm 2021; sản xuất than sạch thành phẩm đạt 14,8 triệu tấn, đạt 38% kế hoạch năm, bằng 112% so với cùng kỳ năm 2021; bốc xúc đất đá đạt 47 triệu m3, đạt 28% kế hoạch năm, bằng 79% so với cùng kỳ năm 2021; đào trên 74.000m lò, đạt 29% kế hoạch năm, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2021; than tiêu thụ đạt 15,68 triệu tấn, đạt 36% kế hoạch năm, bằng 112% so với cùng kỳ năm 2021 (tiêu thụ trong nước đạt 15,3 triệu tấn, đạt 37% kế hoạch năm, tăng 2% so với cùng kỳ); nhập khẩu than đạt trên 500.000 tấn, đạt 11% so với kế hoạch năm.

      Đặc biệt, doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh than 4 tháng đạt 28.660 tỷ đồng, đạt 38% kế hoạch năm, bằng 123% so với cùng kỳ năm 2021; giải quyết việc làm cho khoảng 90.000 lao động, với mức thu nhập bình quân đạt trên 14 triệu đồng/người/tháng.

      Gia tăng chỉ số phát triển công nghiệp

      Theo đánh giá của các sở, ngành, mặc dù kết quả đạt được trong lĩnh vực công nghiệp những tháng đầu năm là khá nhưng chưa thực sự ổn định. Còn 8/16 sản phẩm công nghiệp chưa đạt tốc độ bình quân theo kịch bản quý I. Từ đó, đặt ra cho các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh tiếp tục cần có sự vào cuộc một cách đồng bộ, hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, để đảm bảo khu vực công nghiệp - xây dựng trong quý II trên địa bàn tỉnh tăng 12,38%, qua đó, phấn đấu 6 tháng đầu năm tăng 10,12% theo đúng đề xuất của Sở KH&ĐT.

cq4
Hoạt động sản xuất gạch, ngói tại Công ty CP Gốm Đất Việt.

      Được biết hiện nay, ngành than chiếm 95% trong tổng ngành công nghiệp khai khoáng của tỉnh, chiếm tỷ trọng 18% trong tổng GRDP toàn tỉnh. Theo tính toán cơ học, cứ sản xuất được 1 triệu tấn than sẽ tăng 0,39 điểm % đến GRDP. Do vậy, việc tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị ngành than lúc này là thực sự cần thiết đối với các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh.

      Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ổn định việc làm, thu nhập, đảm bảo đời sống cho công nhân, lao động, TKV tiếp tục phát động tháng thi đua sản xuất than với nhịp độ cao để tăng nguồn cung ứng pha trộn, đẩy mạnh công tác nhập khẩu than, xây dựng các phương án pha trộn than linh hoạt để cung cấp đủ than cho khách hàng theo hợp đồng đã ký kết. Đặc biệt, bám sát tình hình vận hành và sử dụng than của các nhà máy nhiệt điện để có sự chủ động trong việc điều hành tiêu thụ, điều hành sản xuất, nhập khẩu than để cung cấp theo hợp đồng. Trong đó, phấn đấu trong tháng 5, TKV sản xuất than đạt 4 triệu tấn, tiêu thụ than đạt gần 5 triệu tấn, bóc xúc 19 triệu m3 đất đá, đào 23.800m lò.

cq5
Sản xuất dầu thực vật tại Công ty TNHH Dầu thực vật Cái Lân (KCN Cái Lân, TP Hạ Long).

      Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do trong quý I có sự tăng trưởng chậm, thấp hơn 18 điểm % so với kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2022 của tỉnh đề ra, nên đòi hỏi trong quý II phải có sự bứt phá phát triển mạnh mẽ. Mặc dù đến hết tháng 4, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có sự phục hồi, tăng trưởng trở lại (tăng 15,4% so cùng kỳ 2021) nhưng vẫn chưa tương xứng với lợi thế phát triển.

      Khắc phục những tồn tại, hạn chế được các ngành, địa phương nêu ra tại các cuộc họp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đối với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, hiện nay, Sở Công Thương phối hợp tích cực với Ban Quản lý KKT tỉnh, các đơn vị liên quan tập trung nắm bắt, rà soát những khó khăn, vướng mắc đối với những doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Chủ thể chính được các đơn vị hướng tới hỗ trợ là doanh nghiệp trong các KCN, KKT của tỉnh.

      Theo Ban Quản lý KKT tỉnh, đơn vị thường xuyên cử cán bộ xuống địa bàn nắm bắt tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định. Do vậy, một số sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo 4 tháng đầu năm đã có sự tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021, như: Bột mì đạt 158.000 tấn, tăng 16,1% so với cùng kỳ, đạt 76,2% kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng; màn hình tivi đạt 436.000 cái, tăng 667,4% so với cùng kỳ, đạt 82,3% kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng; thân mũ đạt 10,4 triệu cái, tăng 64,9% so cùng kỳ, đạt 57,4% kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng; tấm silic của nhà máy Jinko Solar đạt 28 triệu cái, đạt 11,2% kịch bản tăng trưởng kinh tế 6 tháng...

      Những kết quả tích cực đạt được của ngành sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm sẽ là động lực để toàn tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế quý II đạt 10,25% và đảm bảo đến hết năm tăng trưởng kinh tế đạt 11,15%, đúng như tinh thần Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết 68/NQ-HĐND ngày 9/12/2021 của HĐND tỉnh xác định./.

NQ (ST)

Nguồn tin: Theo Mạnh Trường (quangninh.gov.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây