Sự ra đời của ba tổ chức Đảng, là tiền đề để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Thứ tư - 31/01/2024 11:0229.5070
Vào năm 1929, ở nước ta lần lượt xuất hiện 3 tổ chức Đảng đó là: Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929), An Nam Cộng sản Đảng (7/1929), Đông Dương Cộng sản liên đoàn (9/1929). Ba tổ chức Đảng ra đời thể hiện tính tất yếu trong hoạt động lãnh đạo quần chúng nhân dân, có tư tưởng và mục tiêu hoạt động tương đối giống nhau, tuy nhiên chưa tập hợp lại được để thống nhất hoạt động.
Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng
Vào cuối những năm 1920, Bắc Kì là nơi có phong trào cách mạng phát triển mạnh hơn so với các vùng khác trong cả nước. Tại đây, hai tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Việt Nam Quốc dân Đảng đang ra sức hoạt động nhằm lôi kéo và tranh giành quần chúng.
Số hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Bắc Kì khá đông, nhiều hội viên là học trò xuất sắc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã sớm nắm bắt được các yêu cầu của thời cuộc và nhanh chóng nhận thấy sự cấp thiết phải thành lập một Đảng Cộng sản để thay thế Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lãnh đạo và đưa phong trào cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên.
Tháng 3/1929, những hội viên tích cực của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kì đã nhóm họp tại số nhà 5D phố Hàm Long, Hà Nội, quyết định lập ra Chi bộ cộng sản đầu tiên gồm 7 đồng chí là: Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Trịnh Đình Cửu, Trần Văn Cung, Đỗ Ngọc Du, Dương Hạc Đính và Nguyễn Tuân.
Cuối tháng 3/1929, Kì bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã họp Đại hội tại Sơn Tây. Đại hội đã trao đổi, thảo luận nhiều ý kiến và đi tới thống nhất chủ trương thành lập Đảng Cộng sản của những người lãnh đạo Kì bộ, đồng thời quyết định cử một đoàn đại biểu gồm 04 người do Trần Văn Cung (Bí thư Kì bộ) phụ trách đi dự Đại hội lần thứ nhất của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên sẽ tổ chức tại Hương Cảng, Trung Quốc.
Đầu tháng 5/1929, tại Đại hội I của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Đoàn đại biểu Kì bộ Bắc Kì đã đưa ra đề nghị giải tán tổ chức Thanh niên và thành lập Đảng Cộng sản. Nhưng đề nghị đó không được chấp nhận nên Đoàn đại biểu Kì bộ Bắc Kì đã bỏ Đại hội ra về.
Ngày 01/6/1929, Đoàn đại biểu Kì bộ Bắc Kì đã ra Tuyên ngôn giải thích lí do vì sao họ lại dời bỏ Đại hội và chỉ rõ những điều kiện để thành lập một chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân đã chín muồi. Tuyên ngôn viết:
“1- Ở Việt Nam tư bản đã rất phát đạt và đã bắt đầu nhóm vào một số ít người (tư bản tập trung).
2- Vô sản giai cấp ở Việt Nam càng ngày càng đông và càng giác ngộ; nông dân nghèo cũng ngày một nhiều.
3- Hiện nay ở Việt Nam chưa có Đảng nào là đảng đại biểu cho vô sản giai cấp”.
Từ sự phân tích đó, bản Tuyên ngôn nhấn mạnh: “Phải tổ chức ngay Đảng Cộng sản thì mới dẫn đạo cho vô sản giai cấp làm cách mệnh được”.
Tuyên ngôn của Đoàn đại biểu Kì bộ đã có sức thu hút mạnh đối với các hội viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, nhiều hội viên đã hăng hái xin gia nhập Chi bộ cộng sản. Để đáp ứng nhu cầu đó, ngày 17/6/1929, tại số nhà 312 Khâm Thiên (Hà Nội), đại biểu các tổ chức cơ sở cộng sản ở miền Bắc đã họp đại hội quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng.
Sau khi ra đời, Đông Dương Cộng sản Đảng đã công bố Chính cương, Tuyên ngôn, Điều lệ. Các văn kiện này thừa nhận đường lối của Quốc tế cộng sản, xác định vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản và nêu rõ: “thời kỳ đầu tiên của cách mệnh Đông Dương là tư sản dân chủ cách mệnh” và sau đó là “cách mệnh xã hội”. Bản Tuyên ngôn nêu rõ Đông Dương Cộng sản Đảng là Đảng đại biểu cho giai cấp vô sản, bao gồm những người giác ngộ và tiên tiến hơn cả. Đảng bênh vực quyền lợi cho toàn thể vô sản giai cấp, dân cày nghèo và tất cả những người làm lụng bị bóc lột và đè nén”.
Sự ra đời của An Nam Cộng sản Đảng
Đại hội thành lập An Nam cộng sản Đảng năm 1929 được tổ chức tại phòng 1, lầu 2, nhà số 1 đường Nguyễn Trung Trực (thời Pháp thuộc - năm 1929 là đường Philippini), phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Nơi tổ chức đại hội là căn phòng trong khách sạn của Pháp mang tên "Phong cảnh khách lầu". Khách sạn nằm ở giữa trung tâm thành phố và là nơi thường lui tới của khách vãng lai trong cả nước.
Năm 1929, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (VNTNCMĐCH) do Nguyễn Ái Quốc tổ chức là hội thanh niên yêu nước đã làm tròn nhiệm vụ của mình là chuẩn bị những điều kiện, những tiền đề cho ra đời một Đảng Cộng sản ở Việt Nam. Trong đại hội VNTNCMĐCH tại Hương Cảng tháng 5/1929, đoàn đại biểu Bắc kỳ nêu vấn đề thành lập Đảng Cộng sản. Đại biểu Bắc Kỳ ra về, sau đó lập ra Đông Dương cộng sản Đảng và có ảnh hưởng lớn ở Nam Kỳ và Trung Kỳ. Xu hướng muốn thành lập Đảng Cộng sản nổi lên rất mạnh trong thanh niên.
Các đại biểu ở lại đại hội bầu ra Tổng bộ mới và trở thành "hội trù bị thành lập Đảng Cộng sản" có nhiệm vụ cải tổ VNTNCMĐCH thành lập các chi bộ và chuẩn bị cho ra đời Đảng Cộng sản.
Khi nhận được thư của Tổng bộ ở Hương Cảng đồng ý việc thành lập Đảng Cộng sản, đồng chí Châu Văn Liêm và một số đồng chí khác đã gặp Bàng Thống (tức Trần Tư Chính) đại diện cho Đông Dương Cộng sản Đảng để bàn việc hợp nhất. Nhưng việc không thành, đồng chí Châu Văn Liêm cùng với một số đồng chí khác đã họp tại nhà đồng chí Châu Văn Liêm tại đường Hamelin (nay là đường Lê Thị Hồng Gấm) quyết định chọn những người ưu tú trong Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội tổ chức ra "An Nam cộng sản Đảng" vào cuối tháng 7, đầu tháng 8 năm 1929.
Tháng 10/1929, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Lê Duy Điếm, Châu Văn Liêm và một số đang ở Trung Quốc thành lập chi bộ An Nam Cộng sản Đảng. Sau đó đồng chí Châu Văn Liêm đã triệu tập hội nghị gồm các đại biểu đã được chọn lọc và chỉ định ở các tỉnh để thành lập An Nam cộng sản Đảng. Hội nghị gồm 30 người tổ chức tại "Phong cảnh khách lầu" ở góc đường Nguyễn Trung Trực và Lê Lợi. Các đại biểu dự hội nghị đều trở thành đảng viên và được giao nhiệm vụ chọn người phát triển Đảng và thành lập các chi bộ theo hệ thống An Nam Cộng sản Đảng.
An Nam Cộng sản Đảng ra đời đã tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê Nin trong công nhân, nông dân, phát động phong trào đấu tranh chống khủng bố, chống chiến tranh đế quốc, ủng hộ Liên Xô và lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh ở Nam Kỳ. An Nam Cộng sản Đảng là một trong 3 tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của An Nam Cộng sản Đảng có ý nghĩa lớn lao đối với cách mạng Việt Nam. Vì vậy di tích nơi thành lập An Nam Cộng sản Đảng được Bộ Văn hóa ký quyết định số 1288 - VH/QĐ ngày 16/11/1988 công nhận là di tích lịch sử.
Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn
Tháng 9/1929, nhiều đảng viên của Tân Việt Cách mạng đảng sa vào tay giặc Pháp. Đứng trước nguy cơ đó nhiều đảng viên cốt cán cấp tiến trong Tân Việt nhận thấy “trào lưu cộng sản đang dâng cao khắp toàn cầu: Xô viết Nga kiến thiết vững mạnh, Xô viết Tàu đang có cơ sở ở Bắc Bình. Công cuộc cộng sản vận động phát triển mạnh ở các nước như Pháp, Ấn Độ, Xiêm. Ở Đông Dương xu hướng cộng sản đang đâm chồi nảy lộc”, trong khi đó người dẫn đạo của Tân Việt ngày càng sa vào hoạt động quốc gia cải lương dẫn quần chúng, đảng viên chịu ảnh hưởng của mình đi sai đường lối của Đệ tam Quốc tế, việc thương lượng với hai bộ phận cộng sản để hợp nhất cơ sở cách mạng đã tiến hành khá nhiều lần nhưng vẫn không thành.
Do tình hình như vậy, những người giác ngộ cộng sản chân chính trong Tân Việt Cách mạng đảng trịnh trọng tuyên ngôn cùng toàn thể đảng viên Tân Việt Cách mạng đảng, toàn thể thợ thuyền, dân cày và người lao khổ biết rằng, chúng tôi đã chính thức lập ra “Đông Dương Cộng sản Liên đoàn”. Tuyên đạt chỉ rõ: Đông Dương Cộng sản Liên đoàn lấy chủ nghĩa cộng sản làm nền móng, lấy công, nông, binh liên hiệp làm đối tượng vận động cách mạng để thực hành cách mạng cộng sản trong xứ Đông Dương, làm cho xứ sở của chúng ta hoàn toàn độc lập, xóa bỏ nạn người bóc lột người, xây dựng chế độ Công - Nông chuyên chính tiến lên cộng sản chủ nghĩa trong toàn xứ Đông Dương.
Ngày 29 và 30/12/1929, Đại hội thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã được tiến hành, gồm có các đồng chí: Trần Hữu Chương, Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều) là đại biểu Nam Kỳ, Nguyễn Xuân Thanh, Trần Đại Quả, Ngô Đức Đệ, Lê Tiềm, Nguyễn Tốn là đại biểu Trung Kỳ. Ngô Đình Mẫn là đại biểu Bắc Kỳ. Đại hội nhất trí quyết định: Không tán thành gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng theo các điều kiện do Đông Dương Cộng sản Đảng nêu ra. Bỏ tên gọi Tân Việt, đặt tên mới là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Củng cố Đảng, đưa ra Đảng những đảng viên yếu kém, bầu Ban lãnh đạo chung. Thường xuyên quan tâm đến cuộc vận động thống nhất các tổ chức cộng sản. Tên gọi Đông Dương Cộng sản Liên đoàn là tên gọi tạm thời trước khi các tổ chức cộng sản thống nhất.
Sáng ngày 01/01/1930, Đại hội chưa kết thúc nhưng phải di chuyển đến địa điểm họp mới vì sợ bị bại lộ, trong khi di chuyển các đại biểu đã bị địch bắt tại bến đò Trai, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Sự việc này xảy ra nhưng cũng có thể coi là đã hoàn tất quá trình thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn.
Tuy Đông Dương Cộng sản Liên đoàn ra đời chưa có Ban chấp hành Trung ương. nhưng những người cộng sản và những người yêu nước chân chính đều nhận thấy cần phải khắc phục những mặt chưa được và thành lập một đảng cộng sản thống nhất để lãnh đạo cách mạng Việt Nam tiến lên.
Như vậy, sự xuất hiện lần lượt của các tổ chức Cộng sản là kết quả của việc thành lập, xây dựng sức mạnh đoàn kết dân tộc. Ba tổ chức Cộng sản ra đời tuy chưa tập trung được lực lượng và thống nhất tư tưởng, nhưng lại đóng góp rất lớn. Mỗi tổ chức đều hoạt động vì mục đích độc lập dân tộc, dành lại chế độ và quyền lợi cho nhân dân.
Có thể nói sự ra đời của ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam là xu thế khách quan của cách mạng giải phóng dân tộc, được ví như một bước nhảy vọt của cách mạng nước ta. Đồng thời sự ra đời của các tổ chức này đã chứng tỏ hệ tư tưởng vô sản giành được ưu thế tuyệt đối trong phong trào dân tộc dân chủ nước Việt Nam. Cùng với sự ra đời này đã tạo điều kiện thuận lợi để đưa đến sự thành lập của Đảng cộng sản duy nhất ở nước ta vào đầu năm 1930, là sự hợp nhất lực lượng, sức mạnh, ý chí để xây dựng nền tảng chung./.
Thái Bình
Ghi rõ nguồn "Than Thống Nhất - TKV" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này!