"Tiếng than rơi là nhịp đập trái tim tôi"

Chủ nhật - 14/11/2021 07:14 726 0
85 năm qua, truyền thống "Kỷ luật và đồng tâm" đã được lớp lớp thợ mỏ tiếp tục phát huy, kết hợp sức mạnh thời đại để vượt qua mọi khó khăn, đưa ngành than phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong hành trình ấy, những người gắn bó với ngành than luôn mang theo niềm tự hào, tình yêu vô bờ bến với những tầng than đen, những hầm lò sâu thăm thẳm…
"Tiếng than rơi là nhịp đập trái tim tôi"
tr1 




 

      Trong những năm 1930-1936, phong trào đấu tranh của công nhân Vùng mỏ tiếp tục phát triển. Đỉnh cao là cuộc tổng bãi công của 3 vạn công nhân và nhân dân lao động Vùng mỏ vào đêm ngày 12/11/1936. Thắng lợi của cuộc Tổng bãi công phản kháng chế độ thực dân Pháp kéo dài 20 ngày, khởi đầu từ cuộc bãi công của 5.000 công nhân và nhân dân lao động Cẩm Phả, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với khẩu hiệu “Kỷ luật, đồng tâm, chúng ta nhất định thắng”, đã thành công và gây tiếng vang lớn trên toàn quốc.

      Thắng lợi của cuộc Tổng bãi công Vùng mỏ năm 1936 đã mang lại bài học quý giá về tập hợp lực lượng công nhân và nhân dân lao động; về tính kỷ luật, đồng tâm trong đấu tranh, về sự đùm bọc, tương thân, tương ái của những người cùng cảnh ngộ, cùng nghề nghiệp, cùng giai cấp. “Kỷ luật, đồng tâm” đã trở thành phương châm hành động, thành giá trị tinh thần vô giá của quân và dân Quảng Ninh.
tr2
Ủy ban quân quản vào tiếp quản thị xã Hòn Gai ngày 25/4/1955.
      Tôi đã may mắn có mặt ngay từ những ngày đầu khi tiếp quản vùng mỏ, cùng với giai cấp công nhân, nhân dân vùng mỏ khôi phục sản xuất, sinh hoạt và được chứng kiến sức mạnh của truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” ấy. Mặc dù ngày 24/5/1955, Vùng mỏ hoàn toàn được giải phóng nhưng khi khu mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả còn nằm trong vùng tập kết 300 ngày thì chủ trương của Đảng ta là phải đập tan các âm mưu ép đồng bào ta di cư vào Nam; âm mưu tháo dỡ máy móc đem đi… Tôi cũng là người may mắn nhất được gặp và báo cáo trực tiếp với Bác Hồ và được nghe Người căn dặn về tổ chức cho công nhân, nhân dân vùng mỏ trong những ngày đầu đầy khó khăn nhưng rất tự hào của vùng mỏ anh hùng, bất khuất kiên trung, một thời kỳ sôi sục các phong trào cách mạng. Bác căn dặn trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng không để kẻ địch lợi dụng, dụ dỗ đồng bào di cư vào Nam và bây giờ nhà máy công xưởng là của ta, các cô các chú và toàn thể công nhân phải đoàn kết bảo vệ giữ gìn máy móc để sớm khôi phục sản xuất.

      Thực hiện chỉ đạo này, công nhân các mỏ đã tích cực đấu tranh giữ máy móc, không cho đối phương di chuyển trái phép. Cuối năm 1954, các đội bảo vệ máy đã được thành lập trong công nhân mỏ. Ngày 18/12/1954, công nhân Cẩm Phả đã ngăn chặn được bọn chủ mỏ định chuyển 12 hòm máy và 1 cần cẩu Xông-đơ (Sondeur) xuống tàu. Chiều 9/3/1955, chủ mỏ dùng lính và bọn cai xếp người Pháp định chuyển 8 động cơ của Nhà máy điện Hòn Gai xuống Cẩm Phả để chuyển vào Nam nhưng công nhân đã vây quanh nhà tên chủ, buộc chúng phải ngừng chuyển máy. Ngày 24/4/1955, công nhân Nhà máy Cơ khí Cẩm Phả đã kiểm soát các hòm máy chủ định chuyển vào Nam, buộc chúng phải để lại ba máy…
tr3
Sản xuất than tại khu mỏ Quảng Ninh những ngày đầu giải phóng.
      Ngày 25/4/1955, khu mỏ hoàn toàn được giải phóng. Là người đứng đầu của chính quyền ở khu mỏ, tôi đã tập trung lãnh đạo khôi phục sản xuất than, các hoạt động của các nhà máy cơ khí để phục vụ việc sửa chữa máy móc ô tô vận chuyển, máy xúc, máy gạt, xe goòng cho khai thác hầm lò đã từng bước đưa việc sản xuất than đi vào hoạt động, nhất ở khu vực Cẩm Phả. Cùng với đó là chủ động khai hoang phục hóa ruộng đất, làm thủy lợi, thu mua lâm thổ sản vừa giải quyết việc chống nạn đói, và có tích lũy phục vụ cho lực lượng vũ trang. Có thể nói, “chính quyền non trẻ" sau chiến tranh có rất nhiều việc phải làm, việc gì cũng cần kíp như việc khôi phục lại học tập cho con em và xóa mù chữ, với việc tổ chức các phong trào bình dân học vụ... Những hoạt động như vậy chúng ta đã đưa sản xuất bước đầu đạt được nhiều kết quả tốt, đẩy lùi được nạn đói, nhất là hoạt động của các xí nghiệp hầm mỏ đã ổn định nhanh chóng, tạo nên sự phấn khởi tin tưởng, lạc quan. Những sự việc, sự kiện diễn ra ở thời kỳ đó là vô cùng phong phú, sôi động, tôi không thể nói hết và nhớ hết được.

      Nhưng có một điều là tôi không thể nào quên đó là tinh thần lao động hăng hái không quản khó khăn gian khổ của công nhân, của mỗi người dân, từ trong ánh mắt toát nên niềm tin tưởng, từ những việc làm và cả những khúc hát ca trong sản xuất, sau những ngày lao động của họ. Điều đã nói nên sự tin tưởng tuyệt đối vào cách mạng do Đảng ta và Bác Hồ lãnh đạo, với ý thức tự giác cách mạng rất cao. Họ thật sự là chỗ dựa vững chắc tin cậy của cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, chỗ dựa tin cậy của chính quyền với truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm".

      85 năm qua, bài học “Kỷ luật và Đồng tâm” đã trở thành giá trị tinh thần vô giá đồng hành cùng quân và dân Quảng Ninh. Đó chính là động lực, là sức mạnh để Quảng Ninh đi qua bao khó khăn, xây dựng tỉnh ngày càng phát triển như hôm nay.
tr4





 

      Tôi sinh năm 1949, xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1967, tôi được Nhà nước cho sang Ba Lan học tập, đào tạo bài bản về chuyên ngành Khai thác mỏ. Trở về nước năm 1974, sự nghiệp của tôi bắt đầu tại mỏ than Mông Dương (TP Cẩm Phả).
 

      Hồi ấy, Mông Dương là một thị trấn vắng hoe, mù mịt bụi than, dân cư thưa thớt. Dãy nhà cấp 4, nơi tôi và các công nhân ở là đông vui nhất, tuy cuộc sống ngày đó nghèo khó là thế nhưng mà vui. Ban ngày thì chui lò còn ban đêm về đàn hát. Chỉ vài cây ghi ta, mấy chiếc thìa, vài ba cái xô lật ngược là đủ thành dàn nhạc. Người thợ mỏ sống với nhau rất cởi mở, giao thoa tụ hội vùng miền. Văn hoá Quảng Ninh khác ở Thái Bình, Nam Định mặc dù thợ mỏ ở đây trước kia nhiều người đi ra từ đất ấy. Nhưng vùng đất mới đã rèn luyện con người, con người phải hoà nhập vào Vùng mỏ này để tạo ra những nét văn hoá mới...Người ngành Than yêu thương nhau, đùm bọc nhau, sướng khổ có nhau, sống chết vì nhau để vượt qua mọi gian khó. Không có nghề nào vất vả, nguy hiểm nhưng cũng đầy vinh quang như nghề mỏ. Người ta thường nói đó là nghề “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ” nhưng lịch sử của đất nước cũng ghi nhận “người thợ lò – người chiến sĩ”. Bởi cũng giống như những người lính, những người thợ lò không hề quản ngại khó khăn, gian khổ, sẵn sàng tiến sâu vào lòng đất để sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc. Có thể ở thời điểm này, các nguồn năng lượng như ga, điện… chiếm ưu thế nhưng dù thời nào thì than vẫn là “vàng đen” của đất nước. Gắn bó với ngành than từ khi còn trẻ đến khi hết tuổi lao động, từ khi là một người công nhân đến khi làm quản lý, và đến tận bây giờ, cả cuộc đời tôi luôn luôn đau đáu, trăn trở về người công nhân ngành than. Khi tôi còn đương nhiệm, mỗi khi xảy ra sự cố hầm lò, dù nhỏ hay lớn, tôi bao giờ cũng có mặt và trực tiếp chỉ huy cứu nạn. Nước mắt tôi nhiều lần rơi trên khuôn mặt những người thợ lò… Và bây giờ, khi nghe thông tin về tai nạn hầm lò, trái tim tôi vẫn thắt lại.

tr5
Trên tất cả, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” luôn là kim chỉ nam vượt khó đi lên của thợ mỏ.
      Nhưng vượt lên trên tất cả, truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của nhân dân vùng mỏ luôn là kim chỉ nam vượt khó đi lên của thợ mỏ, biến đó thành sức mạnh tinh thần để đương đầu và vượt qua thử thách, chớp lấy cơ hội phát triển. Thợ mỏ Quảng Ninh từ người nô lệ lầm than đã đứng lên theo ngọn cờ cách mạng, đập tan chế độ thực dân hà khắc, làm chủ cuộc đời mình, làm chủ nhà máy, hầm mỏ. Vóc dáng của họ đã tô thêm nét đẹp cho cả vùng than Đông Bắc. Ngành than càng phát triển thì truyền thống đó càng được phát huy, tình người càng sâu đậm và tạo thành một nét văn hóa riêng biệt, có sự khác biệt với các ngành nghề khác, vùng miền khác và trở thành tài sản quý giá nhất, vững mạnh nhất, mãi mãi làm nền tảng cho sự phát triển.

      Với tôi dù ở đâu, dù ở cương vị nào tôi vẫn là một người con vùng mỏ với tinh thần kỷ luật - đồng tâm đặt lên hàng đầu. Nhớ những năm 90 của thế kỷ trước, nền kinh tế suy thoái, lạm phát dẫn đến than làm ra khó bán được, tồn kho cao, sản xuất bị thu hẹp, đã có trường hợp con theo cha mẹ lên công trường ăn chung bát cơm giữa ca. Các công ty than mặc dù hạch toán độc lập nhưng vẫn giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Đặc biệt, Công ty Than Cẩm Phả đã dành than của mình cho các công ty khác xuất khẩu để được hưởng chênh lệch giá (giá xuất khẩu cao gấp 4 lần giá trong nước) ngay cả khi trong két của mình đã có lúc chả có đồng tiền mặt nào. Đến hôm nay đời sống đã khá lên nhưng các công ty vùng than Cẩm Phả rồi vùng than Hạ Long, Uông Bí - Đông Triều vẫn tự nguyện gắn bó khăng khít với nhau, chia sẻ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, nâng cao đời sống cho người lao động. Chứng kiến sự đổi thay ngày càng mạnh mẽ của Quảng Ninh tôi rất tự hào và tin tưởng vào sự phát triển bền vững của vùng mỏ đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
tr6





 

      Năm 1948, lúc ấy tôi mới 8 tuổi, đã lặn lội theo mẹ, chị gái và em trai từ Đồ Sơn (Hải Phòng) ra đất Cẩm Phả, Quảng Ninh bươn chải kiếm sống và lập nghiệp. Ngày ấy còn bé, theo chân mẹ, chân chị làm đủ thứ việc, chưa liên quan gì đến ngành Than đâu, nhưng đi đâu cũng nghe các chú các bác kể về truyền thống đấu tranh hào hùng, khí thế cách mạng quật khởi của giai cấp công nhân vùng mỏ năm 1936. Thế rồi lớn lên, tình yêu của tôi dành cho vùng mỏ Quảng Ninh, cho ngành Than cứ nhiều lên và tôi chọn trở thành người công nhân mỏ…
 

      Trải qua mấy chục năm công tác trong ngành Than, qua nhiều vị trí, chức vụ, từ anh công nhân xúc than đến người đội trưởng sản xuất, từ bí thư Đoàn Thanh niên đến Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Than Quảng Ninh, tôi càng thêm gắn bó, yêu những khai trường, yêu vùng mỏ, yêu ngành than, yêu giai cấp công nhân mỏ. Đặc biệt, từ khi được gặp Bác Hồ, tình yêu, niềm tự hào là người thợ mỏ càng lớn lên trong tôi. Đó là tháng 10/1957, Bác Hồ về thăm TX Hòn Gai (nay là TP Hạ Long). Tại sân vận động thị xã lúc đó, cả nghìn người cùng tập trung lắng nghe lời Bác dặn. Sự kiện ngày hôm đó đến nay vẫn luôn là một ký ức không thể nào quên đối với tôi. Khi ấy, tôi là công nhân trẻ tiêu biểu của ngành than vinh dự được cử đi nghe Bác nói chuyện… Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh của Bác. Bác mặc quần áo giản dị, nói chuyện rất gần gũi dễ hiểu. Được trực tiếp đứng đó, nghe giọng Bác căn dặn, chúng tôi rất vinh dự và tự hào. Khi về, tôi cùng các anh em tất cả đều viết chương trình hành động thực hiện lời Bác dạy, phấn đấu thi đua lao động đạt năng suất cao, đảm bảo an toàn, đoàn kết nội bộ, xây dựng ngành Than ngày càng vững mạnh…

tr7
Tôi đã gửi gắm tình cảm cho vùng than vào những câu thơ, cuốn sách.
      Yêu mỏ, yêu ngành than, hơn 60 năm qua, tôi gửi hết vào những câu thơ, cuốn sách. Cũng khá nhiều đấy. Tầm trên dưới 20 cuốn, thơ, truyện, tiểu thuyết, sách lịch sử đủ cả. Giờ cũng già rồi, kho sách thì mấy năm trước bị mối xông… con cháu giúp dọn dẹp lại cất lên kho rồi, không nhớ được chính xác nữa. Nhưng tôi nhớ nhất là tiểu thuyết “Cửa sóng”, viết về cuộc sống gần 80 năm của một gia đình qua ba thế hệ sống nơi đất mỏ. Nhân vật chính là Lộc (ngày bé), sau đổi tên là Tuấn, từ một cậu bé “đứng bên đường vỗ tay hoan hô các chú Bộ đội Cụ Hồ” trở thành một thanh niên giác ngộ cách mạng, gắn bó với ngành than qua chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, qua cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, qua vất vả cam go với nạn than thổ phỉ… Rồi Tuấn tiếp tục trăn trở với ngành than trong nền kinh tế thị trường, trong việc mở rộng sản xuất, nâng cao đời sống cho người công nhân mỏ... Tiểu thuyết đó cũng là những trăn trở, yêu thương của tôi dành cho Quảng Ninh, cho ngành than, cho giai cấp công nhân… Tôi còn là người trực tiếp đón và dẫn nhà văn Lê Phương thâm nhập thực tế vùng mỏ để anh ấy viết cuốn tiểu thuyết “Bất khuất”, một cuốn sách hay viết về truyền thống đấu tranh anh dũng của công nhân vùng than Cẩm Phả và Hồng Gai dưới sự lãnh đạo của Đảng những năm 1930 của thế kỷ trước, mà đỉnh cao là tháng 11/1936. Sau này, tiểu thuyết ấy còn được chuyển thể thành bộ phim “Cơn lốc biển”...

      Sau này, nhờ những tư liệu lịch sử quý giá sưu tầm, giữ gìn được và kiến thức sâu rộng về vùng mỏ, về ngành Than ở Quảng Ninh, tôi đã tổng hợp, viết sách về lịch sử ngành Than ở Quảng Ninh. Mới đây, tôi cũng đứng đồng chủ biên cuốn sách: “Truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của công nhân mỏ Quảng Ninh”. Cuốn sách với nhiều tư liệu, tài liệu quan trọng được sưu tầm, nghiên cứu và biên soạn công phu và xuất bản vào dịp kỷ niệm 85 năm ngày Truyền thống công nhân vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than 12/11 (1936 - 2021).
tr8

 



 

      Năm 1967, tôi viết đơn xin ra chiến trường khi tôi 22 tuổi, là cán bộ kỹ thuật của Mỏ than Hà Tu. Khi ấy, các mỏ than đã ổn định sản xuất sau khi vùng mỏ được hoàn toàn giải phóng, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Đặc biệt, trong giai đoạn 1960-1965, phong trào thi đua sản xuất nhằm nâng cao sản lượng của các mỏ than ngày càng lên cao. Công nghệ khai thác được đầu tư, các thiết bị khai thác được chế biến và đầu tư lắp đặt đồng bộ, đưa vào thực tiễn sản xuất đã dần giảm bớt sức lao động thủ công như vì sắt chống lò, máy đổ đất đá, tời kéo gỗ lên thượng... Giai đoạn này, đời sống của người thợ mỏ được nâng cao, đã xuất hiện nhiều tấm gương anh hùng lao động, có thành tích xuất sắc, tinh thần sản xuất và chiến đấu anh dũng.
 

      Tuy nhiên, những người thợ mỏ chúng tôi vẫn luôn đau đáu hướng về miền Nam ruột thịt đang chìm trong khói lửa chiến tranh. Ai cũng muốn được mặc quân phục, tay bồng súng, lưng khoác ba lô để chiến đấu với kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương. Tháng 7/1967, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, thợ mỏ chúng tôi đã hăng hái làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Nhiều người còn trích máu, viết huyết tâm thư xin được cùng đồng đội cầm súng ra tiền tuyến chiến đấu. Và tôi, dù là con một trong nhà, mới cưới vợ được 10 ngày, thuộc diện được đơn vị xét duyệt vào danh sách cán bộ cử đi Ba Lan học tập... nhưng tôi vẫn xung phong ra chiến trường.

tr9
Ông Bùi Duy Thinh bên chiếc xe tăng huyền thoại mang số hiệu 819 trong ngày 30/4/1975.

      Tôi là một trong hơn 2.000 thợ mỏ được tập hợp thành ba tiểu đoàn, gồm: Tiểu đoàn 385, Tiểu đoàn 386 và Tiểu đoàn 9 và được gọi chung là Binh đoàn Than. Đến ngày 30/7/1967 Binh đoàn Than làm lễ xuất quân lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Tiểu đoàn 9 tham gia huấn luyện tại Đông Triều, Quảng Ninh, sau đó hành quân thẳng vào Kon Tum. Tiểu đoàn 385 và Tiểu đoàn 386 huấn luyện tại Hòa Bình, đến tháng 12/1967 thì di chuyển toàn bộ vào mặt trận Khe Sanh, Quảng Trị để bổ sung cho lực lượng của ta đang chiến đấu ác liệt tại Làng Vây - cứ điểm đặc biệt của Mỹ trong hệ thống phòng ngự trên Đường 9 - Khe Sanh.

      Rời những hầm lò, máy móc, những người công nhân mỏ đã trở thành những người lính thiện chiến và dũng cảm. Chúng tôi đã mang theo tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” vào những nơi khó khăn, gian khổ nhất của cuộc chiến. Danh tiếng của “Binh đoàn Than” đã được thể hiện qua mỗi trận đánh. Kể từ khi được thành lập đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những người lính Binh đoàn Than đã tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

tr10
Dù trong hoàn cảnh nào, sức mạnh, phẩm chất kiên trung và tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm" của thợ mỏ cũng được phát huy.  
      Từ 3 tiểu đoàn ban đầu, chúng tôi được chia ra, bổ sung vào các trung đội, tiểu đội khác nhau ở các đơn vị mới, tiếp tục chiến đấu. Có người ở lại tham gia giải phóng Tây Nguyên, có người trong đoàn quân tiến thẳng vào giải phóng Sài Gòn năm 1975; có người tiến công đến tận miền Tây Nam Bộ. Dù trong hoàn cảnh nào, sức mạnh, phẩm chất kiên trung và tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm" của thợ mỏ cũng được phát huy. Niềm tự hào Binh đoàn Than gắn với những tin vui liên tiếp báo về Vùng mỏ. Điển hình, như: Chiến sĩ Nguyễn Xuân Hùng (công nhân Tuyển than Hòn Gai) cùng đồng đội bắn cháy 2 xe tăng, 1 xe cơ giới; chiến sĩ Nguyễn Đức Bình (thợ mỏ Đèo Nai) cùng đồng đội đánh Kho xăng Nhà Bè, thiêu hủy hàng vạn lít xăng dầu; Tiểu đội trưởng Phạm Ngọc Niếp (thợ mỏ Thống Nhất) dũng cảm mưu trí, cùng đồng đội bắn chìm 1 tàu chiến của Mỹ - Ngụy... Danh tiếng của những người lính Binh đoàn Than trở thành niềm tự hào của nhân dân Vùng mỏ, là nỗi khiếp sợ của kẻ thù.

      Cá nhân tôi sau trận đánh sân bay Tà Cơn ở Quảng Trị năm 1968 trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, đã được nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Đó cũng là chiến công lớn đầu tiên của tôi sau khi chính thức được kết nạp vào Đảng ngày 5/2/1968. Trở về sau chiến thắng năm 1975, nhiều người trong chúng tôi lại gác súng, tiếp tục gắn bó với những mỏ than. Do bị thương trong chiến đấu, khi ra quân trở về, tôi không còn trực tiếp sản xuất mà được phân công làm cán bộ công đoàn, vẫn gắn bó, chăm lo cho những người thợ mỏ.
 
tr11

NQ (ST)

Nguồn tin: Theo Thùy Linh - Hùng Sơn - Thanh Tùng - Minh Hà (baoquangninh.com.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây