Nơi tri ân tổ nghiệp

Thứ tư - 01/01/2020 11:48 1.146 0
Nơi tri ân tổ nghiệp

        Ngọn núi thiêng

      Những năm 1989 - 1990, khi còn học tập tại trường Trung cấp mỏ Mạo Khê, bây giờ là trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh, vào những ngày hè nóng nực chúng tôi thường sang bên hồ địa chất nằm ngay phía sau trường tắm. Địa điểm này gọi là hồ địa chất vì nằm trong phạm vi quản lý của Xí nghiệp địa chất 906, nay thuộc Công ty Địa chất mỏ - TKV. Đó cũng là điều bình thường với bao nhiêu học sinh, sinh viên khác. Dưới làn nước trong veo, mát lạnh, nhìn lên những ngọn núi trùng điệp phía trên làm cho ai cũng cảm thấy thích thú. Đó quả là một vùng trời đất giao hòa như hội tụ giữa cảnh đẹp đồng ruộng nông thôn phía ngoài và miền rừng núi phía trong. Xa hơn là những dòng sông uốn lượn. Nhiều đêm, nóng quá chúng tôi cũng rủ nhau ra tắm. Ánh trăng làm cho cảnh sắc thật lãng mạn. Tuy nhiên, sau này, chúng tôi mới biết đó là vùng đất thiêng. Ngọn núi mà chúng tôi thường ngắm nhìn là núi Yên Lãng, thuộc thôn Trại Hà, xã Yên Thọ, Đông Triều, Quảng Ninh. Đây là nơi khởi đầu của những thợ mỏ đầu tiên trong lịch sử khai thác than của Việt Nam dưới thời Minh Mạng, cách đây hơn 170 năm.  Phía trên ngọn núi có một cái miếu nhỏ mà sau khi tìm hiểu chúng tôi được biết đó là Miếu mỏ. Người dân Yên Thọ thay nhau ra hương khói.

      Giờ thì khu vực này đã trở thành một địa danh du lịch về nguồn không chỉ của những người thợ mỏ mà cả đối với những du khách thập phương. Họ đến để hiểu hơn về cội nguồn của ngành Than, nơi bắt đầu mở ra một ngành công nghiệp khai thác than phục vụ đời sống và sản xuất của nhân dân. Công trình Khu di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam đầu tư xây dựng. Những công trình khang trang từ Nghi môn ngoại đền Thượng, Cổng Tam quan nội đền Thượng, Khu nhà tả, hữu vu; Tháp Thạch trụ yểm sơn, Đài Hoàng đế chỉ dụ, đến Đền chính uy nghi… Kiến trúc đền gồm tòa tiền đường, tòa thiêu hương và hậu cung... Tất cả đều cho thấy sự trân trọng cội nguồn, lòng biết ơn các thế hệ đã khai sinh ra ngành khai thác than Việt Nam.

tn 2


      Gần 90 ha xây dựng khu du lịch về nguồn của Thợ mỏ

      Sách sử ghi lại, ngày 10/1/1840, tức ngày 6 tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 20, vua Minh Mạng ra chỉ dụ cho phép Tổng đốc hạt Hải Yên, vùng Quảng Ninh ngày nay là Tôn Thất Bật khai thác than đá ở Đông Triều. Như vậy, không phải người Pháp mà chính người Việt là những người đầu tiên đã phát hiện ra than đá và đặt nền móng cho ngành công nghiệp khai thác than đá ở Việt Nam tại Đông Triều. Công cuộc khai thác than đá phục vụ cho nhà nước phong kiến sử dụng là được sự cho phép của nhà nước phong kiến lúc bấy giờ. Và cũng từ đó đã hình thành đội ngũ thợ mỏ ở địa phương để khai thác than đá trước khi triều đình nhà Nguyễn ký bán khu mỏ Đông Triều cho người Pháp.

      Năm 2008, UBND tỉnh Quảng Ninh đã công nhận di tích Địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam tại núi Yên Lãng, thuộc thôn Trại Hà, xã Yên Thọ, TX Đông Triều là Di tích cấp tỉnh. Đây là một quần thể di tích, có hai khu, một khu có di tích Miếu mỏ rộng 40ha và một khu có di tích đền Bà Chúa Kẽm, rộng 3,5ha; hai khu cách nhau khoảng hơn 1km. Năm 2009, Tập đoàn TKV đã duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng, bảo tồn, tôn tạo và phát huy khu di tích với tổng mức đầu tư giai đoạn đầu trên 52 tỷ đồng. Đồng thời, TKV đã xây dựng "Thạch trụ yểm sơn", mở đầu cho công việc tôn tạo di tích, nhằm đưa di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam thành nơi du lịch về nguồn của ngành Than Việt Nam.

      Năm 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 tôn tạo và phát huy Khu di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam tại xã Yên Thọ có diện tích nghiên cứu quy hoạch 87,75ha, diện tích vùng bảo vệ di tích 41,2ha. Khu vực lập quy hoạch chi tiết trên 23,5ha, gồm khu di tích đền Thượng (miếu Mỏ) trên 4,7ha, khu di tích miếu Bãi Tràng Tiền 1,2ha, khu Thạch trụ yểm sơn gần 2,3ha, khu đền Hạ trên 2,5ha, khu bảo tàng ngành Than - Khoáng sản Việt Nam trên 2,5ha, khu tái tạo cảnh quan tự nhiên trên 4,3ha, khu quản lý di tích và tiếp đón khách tham quan trên 0,8ha. Tại đây cũng có đài Hoàng Đế lệnh chỉ bằng đá xanh, trên đài có khắc bức Dụ của vua Minh Mạng từ năm 1840.

tn 3


      Cho hôm nay và mai sau

      Gần đây nhất, đầu tháng 11/2019, TKV đã xây dựng công trình nhà bia tưởng niệm những người thợ mỏ đã hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than. Nhà bia nằm trong dự án Khu di tích lịch sử địa điểm khai thác than đầu tiên của Việt Nam tại núi Yên Lãng, xã Yên Thọ, đặt ở bên trái đền Thượng trên đường bộ hành dẫn từ nghi môn ngoại lên nghi môn nội, quay hướng Nam vuông góc với trục chính tâm của đền Thượng và nằm trong khuôn viên cây xanh. Công trình có ý nghĩa trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thợ mỏ, là địa chỉ tâm linh để ôn lại lịch sử truyền thống, tưởng nhớ cội nguồn, tri ân tổ nghiệp và đồng đội đã hy sinh vì sự nghiệp sản xuất than.

      Sức mạnh “Kỷ luật và Đồng tâm” đã làm nên bản lĩnh của người thợ mỏ, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thách thức đưa ngành Than trở thành một Tập đoàn kinh doanh đa ngành trên nền sản xuất than, không chỉ uy tín trên thương trường trong nước mà còn cả trên khắp châu lục. Sự phát triển bền vững của ngành Than đóng vai trò quan trọng, quyết định sự phát triển của các ngành kinh tế khác. Do vậy, đây không chỉ là công trình mang ý nghĩa văn hóa, tâm linh, nhớ về nguồn cội mà còn là sự nhắc nhở các thế hệ ngành Than hôm nay và ngày mai luôn chăm lo tốt hơn đến người lao động, đảm bảo an toàn lao động, giảm thiểu rủi ro tai nạn trong hoạt động khai thác than, đưa ngành than phát trriển mạnh mẽ hơn.

      Trong 170 năm qua, lịch sử ngành Than đã trải qua một chặng đường dài thăng trầm cùng vận mệnh của đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân mỏ cùng với nhân dân lao động cả nước làm nên cơn bão táp cách mạng năm 1930  -1931. Phong trào công nhân vùng than Đông Bắc được coi là lực lượng mạnh mẽ nhất và là môi trường cho phong trào "Vô sản hoá", đào luyện các trí thức Việt Nam dấn thân vào cuộc cách mạng như các đồng chí Hạ Bá Cang (tức Hoàng Quốc Việt), Nguyễn Văn Cừ... Chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên của Khu mỏ được thành lập đúng ngày Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930) tại Mạo Khê, Đông Triều.

      Với ý nghĩa đó, thiết nghĩ trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh và thị xã Đông Triều cần tiếp tục quan tâm hơn nữa trong công tác quy hoạch khu di tích đảm bảo yêu cầu. Thêm nữa, mong rằng các cấp các ngành có thể nghiên cứu đề xuất nâng hạng khu di tích là Di tích cấp quốc gia cho tương xứng với tầm vóc và ý nghĩa sâu sắc của nó. Đưa nơi đây trở thành địa chỉ đỏ về nguồn của ngành Than, để lớp lớp các thế hệ thợ mỏ tìm về, kết nối với các tuyến, điểm du lịch tâm linh của thị xã Đông Triều, của tỉnh Quảng Ninh để thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương…

NQ (ST)

Nguồn tin: Theo Hùng Hải - vinacomin.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây