TKV đã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tập trung đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; tích cực thực hiện chuyển đổi số. Đến nay, TKV đã áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa trong hầu hết các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và quản lý để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, tăng năng suất lao động, đảm bảo công tác an toàn, tiết kiệm tài nguyên và góp phần bảo vệ môi trường… Đặc biệt, công tác cơ giới hóa, tự động hoá trong khai thác, đào lò tại các đơn vị khai thác than, khoáng sản trong TKV được quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện. Đã xây dựng 15 phòng giám sát tập trung, điều khiển tập trung để thực hiện giám sát, điều khiển từ xa các công đoạn sản xuất…
Công tác đầu tư trong Tập đoàn các công ty TKV được kiểm soát một cách chặt chẽ; thực hiện đầu tư tập trung chủ yếu cho các dự án, công trình phục vụ trực tiếp cho việc tăng năng lực sản xuất trong các lĩnh vực kinh doanh chính. Trong quá trình triển khai kế hoạch đầu tư, TKV chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; không triển khai các dự án đầu tư chưa được xem xét, tính toán, đánh giá hiệu quả kinh tế.
Tập đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, sản xuất đủ than để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước của các hộ tiêu dùng theo các hợp đồng dài hạn đã ký, góp phần cân đối vĩ mô, giữ ổn định sản xuất, ổn định việc làm và thu nhập cho người lao động. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp ngân sách Nhà nước ở mức cao; không những bảo toàn và phát triển vốn của Nhà nước mà còn có tích lũy được nguồn lực để thực hiện tăng vốn CSH trong giai đoạn tới. Trước tình hình nắng nóng gay gắt, thiếu mưa ở các tỉnh phía Bắc trong mùa khô, TKV đã nỗ lực để tăng năng lực sản xuất, đảm bảo cung cấp đủ và bổ sung than theo nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện, được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm tra tình hình sản xuất, cung ứng điện và đánh giá cao sự vào cuộc tích cực, quyết tâm, đồng hành, trách nhiệm của TKV đã triển khai hiệu qủa các biện pháp bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn điện.
Chính công nghệ khai thác hiện đại là chìa khóa đổi mới diện mạo của ngành Than. Bằng quyết tâm chính trị và nỗ lực hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, TKV đã từng bước lựa chọn và áp dụng những mô hình khai thác phù hợp và hiệu quả. Các đơn vị khai thác than lộ thiên của TKV đều cơ bản thực hiện cơ giới hóa (CGH) ở tất cả các khâu sản xuất. Đồng thời, áp dụng đồng bộ thiết bị CGH công suất lớn để giảm chi phí. TKV đã đẩy mạnh đầu tư, đổi mới, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào hoạt động khai thác, chế biến than. Đến nay, tập đoàn đã và đang làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến; chủ động chế tạo, nội địa hóa nhiều máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất. Với các thiết bị và công nghệ tiên tiến, trong nửa đầu năm 2023, TKV cũng đã để lại dấu ấn với lỗ khoan MK1227 có chiều sâu 1.320m - độ sâu kỷ lục của ngành Than.
Bên cạnh đó, một trong những công nghệ được TKV ứng dụng trong nhiều năm qua tại khu vực hầm lò là công nghệ khai thác than lò chợ chống giữ bằng giá khung và giá xích. Tuy không phải công nghệ mới nhất, hiện đại nhất, nhưng công nghệ này vẫn đang được nghiên cứu nhân rộng tại nhiều hầm lò của TKV do có nhiều ưu điểm về kết cấu, vận hành, độ an toàn, đặc biệt là phù hợp với điều kiện địa chất phức tạp ở nhiều mỏ.
Sản lượng khai thác than từ các lò chợ chống giữ bằng giá khung và giá xích liên tục tăng lên. Công nghệ khai thác than lò chợ này đã tạo bước đột phá về sản lượng và năng suất lao động cũng như mức độ an toàn so với các công nghệ khai thác sử dụng vì gỗ hoặc những loại vì thủy lực đơn chiếc trước đó.
Hệ thống cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ trong khai thác than đã giúp cải thiện điều kiện làm việc cho thợ lò, hạn chế tác động đến môi trường, tiết giảm nhân công, tăng năng suất lao động. Đặc biệt, gia tăng mức độ an toàn và tối ưu hóa các công đoạn sản xuất than nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng thành công mô hình “Mỏ xanh, sạch, hiện đại, ít người”.
Với công nghệ khai thác than lộ thiên, TKV chỉ đạo các mỏ tiếp tục đầu tư phương tiện vận tải công suất lớn, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường. Công tác vận tải đất đá thải mỏ cũng được tính toán thực hiện bằng mô hình liên hợp giữa ô tô và băng tải, giúp giảm giá thành sản xuất và mở rộng biên giới khai thác. Đặc biệt, những năm gần đây, mô hình khai thác than lộ thiên được vận hành theo hướng thông minh hóa, với hệ thống CNTT được ứng dụng cho hầu hết công đoạn sản xuất than, từ khâu giao ca nhật lệnh bằng phần mềm, thống kê chuyến vận tải trực tuyến, cấp dầu liệu tự động, đến khâu sàng tuyển, chế biến và tiêu thụ than…
Các công nghệ tự động hóa, tin học hóa trong vận hành, điều khiển giám sát cũng được áp dụng triệt để, nhằm hiện đại hóa quá trình sản xuất, giảm lao động thủ công trực tiếp, tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Lộ trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp ngành Than cũng đang được triển khai từng bước, bài bản và khoa học. Từ năm 2021 đến nay, Tập đoàn đã ứng dụng hệ thống quản lý và khai thác dữ liệu địa chất; nâng cấp hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp; triển khai hệ thống hóa đơn điện tử với phần mềm báo cáo kế toán hợp nhất. Đây là những phần mềm hiện đại giúp các đơn vị TKV ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất, nâng cao quản lý điều hành, tiết kiệm thời gian xử lý đầu mối công việc.
Trên nền tảng hạ tầng sẵn có và những thành tựu ban đầu của công cuộc chuyển đổi số, TKV đặt mục tiêu chuyển đổi số thành công vào năm 2025. Theo đó, hầu hết các hoạt động của Tập đoàn sẽ được chuyển đổi trên nền tảng số, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, từ đó khẳng định vị trí vững vàng của ngành Than Việt Nam sẵn sàng đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp, đồng thời góp phần quan trọng cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước./.
QN
Ý kiến bạn đọc