TKV - Hành trình không ngừng kiến tạo để phát triển bứt phá

Thứ ba - 02/05/2023 16:58 366 0
Với vai trò là tập đoàn kinh tế trụ cột của đất nước về năng lượng, là công cụ điều tiết vĩ mô của Chính phủ, vị thế của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) ngày được khẳng định với những thành tựu đáng tự hào. Hành trình không ngừng kiến tạo để bứt phá của TKV được ghi nhận với những bước tiến mới về hạ tầng công nghệ và trình độ khai thác, về trách nhiệm với địa phương trong công tác môi trường và an sinh xã hội, mục tiêu xây dựng mô hình doanh nghiệp xanh, phát triển bền vững.
Hệ thống lò chợ cơ giới hóa đồng bộ của Công ty CP Than Hà Lầm.
Hệ thống lò chợ cơ giới hóa đồng bộ của Công ty CP Than Hà Lầm.

      Những bước tiến nhanh và mạnh về hạ tầng công nghệ khai thác than

      Trong lĩnh vực kinh doanh chủ lực là công nghiệp than, TKV luôn đảm bảo vai trò cung ứng năng lượng cho các ngành sản xuất trọng điểm, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước. So với năm đầu thành lập Tổng Công ty Than Việt Nam (1994), toàn ngành mới chỉ sản xuất ở ngưỡng 7 triệu tấn than/năm, đến nay sản lượng than bình quân của TKV đạt từ 40-45 triệu tấn/năm, tăng gần 7 lần.

      Tại các mỏ than hầm lò, cuộc cách mạng KHKT và công nghệ khai thác hiện đại đã đổi mới diện mạo của ngành Than. Trong vòng hơn 10 năm qua, từ năm 2010 đến nay, bằng quyết tâm chính trị và nỗ lực hiện đại hóa hạ tầng công nghệ, TKV đã từng bước lựa chọn và áp dụng những mô hình khai thác phù hợp và hiệu quả.

      Năm 2010, công trình lò giếng đứng đầu tiên của TKV được khởi công tại Công ty CP Than Hà Lầm, đánh dấu bước chuyển về công nghệ khai thác than với những kỳ vọng đột phá về mô hình mỏ hầm lò hiện đại, an toàn, sản lượng cao. Tại đây, một dự án khai thác than dưới mức -50m được triển khai và ngay lập tức thể hiện sự đột phá về dây chuyền khai thác. Đó là việc đưa vào vận hành 2 lò chợ cơ giới hóa đồng bộ khai thác than, công suất thiết kế 1,2 triệu tấn/năm và 600.000 tấn/năm từ năm 2016. Sự kiện này đã hiện thực hóa khát vọng của biết bao thế hệ cán bộ, thợ mỏ ngành Than trong công cuộc chinh phục chiều sâu tầng than bằng cơ giới hóa.

      “Đến nay, sản lượng than khai thác bằng công nghệ cơ giới hóa đồng bộ chiếm trên 80% sản lượng than nguyên khai của công ty. Đặc biệt, làm chủ công nghệ khai thác bằng cơ giới hóa đồng bộ ở độ sâu -300m, trình độ khai thác và quản lý của Hà Lầm có sự đột phá đáng kể so với thời điểm trước. Công ty đang triển khai phương án kỹ thuật xuống sâu dưới mức -300m, chuẩn bị diện khai thác cho giai đoạn từ năm 2024; tiếp tục tập trung giải quyết vấn đề an toàn cho sản xuất hầm lò về nước, khí và than ủ nhiệt để ổn định phát triển giai đoạn 2020-2025 và những năm sau đó, khi khai thác lộ thiên đã hoàn toàn kết thúc” - Ông Trương Ngọc Linh - Phó Giám đốc Công ty CP Than Hà Lầm, cho biết.

      Cùng với 2 lò chợ cơ giới hóa đồng bộ của Hà Lầm, TKV đang vận hành và khai thác 12 lò chợ cơ giới hóa; trong đó có 11 lò chợ cơ giới hóa đồng bộ, 1 tổ hợp khai thác bằng máy bào 2ANSH.

      Đáng chú ý, mô hình lò chợ khai thác than bằng hệ thống cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ được đưa vào áp dụng và khai thác lần đầu tại một số mỏ hầm lò đã đánh dấu một bước ngoặt mới về trình độ khai thác các vỉa than dốc và nghiêng của TKV. Đến nay, Tập đoàn có 5 mô hình lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ đang khai thác và chuẩn bị đưa vào sử dụng.

      “Năm 2020, việc đầu tư một lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ, công suất 300.000 tấn than/năm đã giúp công ty nâng cao công suất, năng suất lao động rõ rệt so với trước. Mức độ an toàn, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động được bảo đảm hơn, giảm được số lò chợ hoạt động đồng thời mà vẫn tăng được sản lượng. Công ty đang nghiên cứu đưa lò chợ hạng nhẹ thứ 2 vào lắp đặt và sử dụng” - Ông Hoàng Trọng Hiệp - Giám đốc Công ty CP Than Mông Dương, cho biết.

      Với công nghệ khai thác than lộ thiên, TKV chỉ đạo các mỏ tiếp tục đầu tư phương tiện vận tải công suất lớn, tiết kiệm chi phí, bảo vệ môi trường. Công tác vận tải đất đá thải mỏ cũng được tính toán thực hiện bằng mô hình liên hợp giữa ô tô và băng tải, giúp giảm giá thành sản xuất và mở rộng biên giới khai thác. Đặc biệt, những năm gần đây, mô hình khai thác than lộ thiên được vận hành theo hướng thông minh hóa, với hệ thống CNTT được ứng dụng cho hầu hết công đoạn sản xuất than, từ khâu giao ca nhật lệnh bằng phần mềm, thống kê chuyến vận tải trực tuyến, cấp dầu liệu tự động, đến khâu sàng tuyển, chế biến và tiêu thụ than…

b2
Hệ thống phương tiện vận tải cỡ lớn tại Công ty CP Than Đèo Nai.

      Lộ trình chuyển đổi số trong các doanh nghiệp ngành Than cũng đang được triển khai từng bước, bài bản và khoa học. Từ năm 2020 đến nay, Tập đoàn đã ứng dụng hệ thống hóa đơn điện tử, phần mềm quản lý khoa học, hệ thống quản lý và khai thác dữ liệu địa chất; nâng cấp hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp; triển khai hệ thống kế toán với hóa đơn điện tử và phần mềm báo cáo kế toán hợp nhất. Đây là những phần mềm hiện đại giúp các đơn vị TKV ứng dụng công nghệ thông minh trong sản xuất, nâng cao quản lý điều hành, tiết kiệm thời gian xử lý đầu mối công việc.

      Trên nền tảng hạ tầng sẵn có và những thành tựu ban đầu của công cuộc chuyển đổi số, TKV đặt mục tiêu chuyển đổi số thành công vào năm 2025. Theo đó, hầu hết các hoạt động của Tập đoàn sẽ được chuyển đổi trên nền tảng số, tận dụng sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số để gia tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất lao động.

      Tiệm cận mục tiêu Doanh nghiệp “xanh”, phát triển bền vững

      Hành trình bứt phá của TKV còn được thể hiện ở tư duy phát triển bền vững. Những năm qua, cùng với sự định hướng của tỉnh Quảng Ninh về chiến lược tăng trưởng, TKV đã có sự chuyển dịch kịp thời trong hành động.

      Các doanh nghiệp thành viên đã quyết liệt triển khai 2 nghị quyết “xương sống” là Nghị quyết số 10 và Nghị quyết số 19 của Đảng ủy Than Quảng Ninh và Đảng ủy TKV, nhằm đổi mới hạ tầng kỹ thuật, nâng cao trình độ khai thác than theo hướng thân thiện với môi trường.

b3
TKV bước đầu khai thác, tái sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp.

      Theo ông Nguyễn Mạnh Tường - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Than Quảng Ninh, những năm qua cấp ủy các cấp trong toàn Tập đoàn đã triển khai hiệu quả Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/3/2018 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về bảo vệ môi trường tỉnh giai đoạn 2018 - 2022. TKV đang từng bước thực hiện lộ trình kết thúc khai thác than lộ thiên theo quy hoạch của Chính phủ và triển khai chủ trương phát triển kinh tế tuần hoàn. Một số dự án trọng điểm đầu tiên của tỉnh đã sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp.

      Nhìn lại chặng đường đã qua, từ một Tổng Công ty Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực sản xuất than, đến nay TKV đã trở thành Tập đoàn kinh tế mạnh với 4 lĩnh vực kinh doanh chính là than, khoáng sản, điện lực và vật liệu nổ công nghiệp. Các thế hệ công nhân, cán bộ ngành Than tự hào về hành trình đã qua, không ngừng kiến tạo để bứt phá, để mỗi ngày càng xứng đáng hơn với vai trò trụ cột về an ninh năng lượng của quốc gia, đóng góp rất lớn vào sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh./.

QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây