Tăng cường hoàn nguyên môi trường sau khai thác than

Thứ sáu - 17/02/2023 20:55 458 0
Quảng Ninh không chỉ là vùng than lớn nhất của Việt Nam, mà còn là tỉnh có nhiều tiềm năng du lịch cần khai thác. Do đó, việc các đơn vị khai thác than hoàn nguyên môi trường sau khai thác than, trả lại màu xanh cho các vùng đô thị đã thể hiện trách nhiệm và cam kết của doanh nghiệp với tỉnh Quảng Ninh. Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh than, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và các đơn vị thành viên đã dành nhiều nguồn lực, tăng cường công tác hoàn nguyên, trồng cây xanh, cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác than một cách hiệu quả.
Công ty CP Than Hà Tu - Vinacomin trồng cây hoàn nguyên môi trường bãi thải mỏ sau khi hoàn thành Đề án đóng cửa mỏ năm 2020.
Công ty CP Than Hà Tu - Vinacomin trồng cây hoàn nguyên môi trường bãi thải mỏ sau khi hoàn thành Đề án đóng cửa mỏ năm 2020.

      Nhiều năm trước đây, các bãi thải mỏ than lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có dạng cao, đổ thải từ trên đỉnh. Chiều cao một số bãi thải lên tới 250 - 300m, không được cắt phân tầng, có góc dốc sườn bãi thải từ 30 - 40 độ. Đất đá thải có độ liên kết yếu, cấu trúc bở rời, dễ sạt lở, thảm thực vật khó phát triển do nghèo dinh dưỡng. Đi cùng với bãi thải là hàng loạt vấn đề: Nước thải mỏ, bụi, khí nổ, tiếng ồn, cảnh quan, xử lý chất thải nguy hại...

      Để khai thác tài nguyên bền vững, TKV đã yêu cầu các đơn vị chấm dứt đổ thải bằng công nghệ bãi thải cao, thay thế bằng công nghệ đổ thải phân tầng và tổ chức trồng cây phục hồi môi trường; thường xuyên nạo vét, cải tạo hệ thống kênh, mương thoát nước, xây dựng các đập chắn tại chân các bãi thải để ngăn ngừa nguy cơ sạt lở đất đá, phát tán bụi, bảo đảm an toàn cho dân cư.

      "Tại chân các bãi thải, các mỏ đã đầu tư xây dựng đê, đập chắn đất đá và hệ thống thoát nước. Đối với các bãi thải đang hoạt động, các đơn vị đều phải thực hiện đổ thải theo tầng thấp đúng thiết kế, quy hoạch, có đê chống trôi lấp đất đá, bảo đảm an toàn cho môi trường và khu dân cư lân cận" - ông Đỗ Thiện Bằng - Phó Trưởng Ban Môi trường TKV cho biết.

      Với các dự án khai thác mỏ đã kết thúc thời gian hoạt động, TKV chỉ đạo các đơn vị tập trung các giải pháp hoàn nguyên môi trường trong thời gian sớm nhất.

      Giai đoạn 2020 - 2021, Công ty CP Than Hà Tu - Vinacomin đã hoàn thành việc cải tạo phục hồi môi trường đối với Dự án đầu tư phát triển mỏ và đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đóng cửa mỏ tại Quyết định số 3194 ngày 18/11/2022. Ngoài việc tận dụng đất đá thải mỏ Dự án khai thác lộ thiên khu Bắc Bàng Danh phục vụ san lấp mặt bằng đối với moong than đã dừng hoạt động, Công ty CP Than Hà Tu cũng đã hoàn thành việc trồng cây xanh, phục hồi môi trường tại khu vực này.

      Ông Lam Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty CP Than Hà Tu cho biết, hiện nay, Than Hà Tu đang tiếp tục triển khai thực hiện dự án khai thác lộ thiên khu Bắc Bàng Danh. Dự án này cũng đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo phục hồi môi trường tại Quyết định số 1994 ngày 18/10/2021, với giá trị ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường là trên 77 tỷ đồng.

x2 1
Công ty CP Than Núi Béo - Vinacomin trồng 1.200 cây lim, lát hoa trong ngày ra quân trồng cây đầu xuân Quý Mão 2023.

      Đối với công tác hoàn nguyên môi trường, hoạt động trồng cây phủ xanh các bãi thải mỏ đã kết thúc đổ thải, khai trường sản xuất, khuôn viên các công trường, phân xưởng mang lại hiệu quả cải tạo, phục hồi môi trường rõ rệt nhất. Trong các chương trình mục tiêu về môi trường hàng năm, hay trong các kế hoạch trung hạn và dài hạn, TKV luôn chú trọng đến các giải pháp trồng cây phủ xanh tại các đơn vị. Loại cây trồng và công nghệ trồng cây trên bãi thải cũng thường xuyên được nghiên cứu, đổi mới, nhằm đảm bảo tính bền vững và hiệu quả.

      Năm 2023, thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh do Thủ tướng Chính phủ phát động cũng như chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh về trồng 5.000ha lim, giổi, lát trên địa bàn tỉnh, TKV đã phát động phong trào trồng cây đầu năm ngay từ mùng 6 Tết Nguyên đán Quý Mão. Các đơn vị thành viên cũng tổ chức trồng cây tại các khu vực bãi thải đã kết thúc đổ thải, xung quanh khai trường, khuôn viên mặt bằng điều hành sản xuất, đường lên bãi thải, các khu vực ranh giới mỏ tiếp giáp dân cư. Ngoài các loại cây truyền thống đã sống và sinh trưởng tốt trên môi trường đất đá thải mỏ như cây keo, năm nay, một số đơn vị cũng đã bắt đầu trồng các loại cây gỗ lớn theo chỉ đạo của tỉnh Quảng Ninh.

      Ngay trong ngày đầu ra quân, Công ty CP Than Đèo Nai - Vinacomin đã trồng được hơn 4.000 cây lát hoa tại khu vực mức +300 bãi thải Nam Khe Tam, Công ty CP Than Núi Béo trồng hơn 1.200 cây lim, lát hoa tại mặt bằng mức +30 Bãi thải trong khai trường Vỉa 14.

      "Năm 2023, TKV sẽ thực hiện trồng 1,2 triệu cây xanh trên diện tích 225ha. Để hài hòa giữa sản xuất than với bảo vệ môi trường, Tập đoàn sẽ tiếp tục vận hành hiệu quả các công trình môi trường đã đầu tư, tiếp tục khởi công các công trình môi trường mới, nhất là các công trình cải thiện cảnh quan mặt bằng sản xuất, thực hiện mục tiêu “Xanh hoá môi trường khai thác mỏ và đưa công viên vào trong mỏ, nhà máy”. TKV cũng sẽ kiên trì chiến lược “Phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, nâng cao chuỗi giá trị khai thác khoáng sản của TKV” trong năm 2023" - ông Đỗ Thiện Bằng - Phó Trưởng Ban Môi trường TKV cho biết thêm.

NQ (ST)

Nguồn tin: Theo Hoàng Yến (quangninh.gov.vn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây