Hiện đại hóa công nghệ sản xuất ở ngành Than

Thứ sáu - 22/09/2023 10:47 1.222 0
Trong lĩnh vực khai thác than, hoạt động KH&CN đóng vai trò hết sức quan trọng đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH ngành than.
Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ đầu tiên của TKV. (Ảnh: NQ - ST)
Lò chợ cơ giới hóa đồng bộ hạng nhẹ đầu tiên của TKV. (Ảnh: NQ - ST)

      Hạn chế tác động đến môi trường, hướng tới xây dựng “Mỏ xanh, sạch, hiện đại, ít người” là mục tiêu của ngành Than. Do đó, những năm qua Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đẩy mạnh đầu tư ứng dụng KH&CN hiện đại vào sản xuất.

      Tại các mỏ than hầm lò, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật và công nghệ khai thác hiện đại đã đổi mới diện mạo của ngành than. Từ chỗ khai thác bằng công nghệ cũ, kém hiệu quả, những năm gần đây, các mỏ hầm lò của TKV đã đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào các công đoạn sản xuất và đào lò.

      Bên cạnh việc đầu tư hiện đại hóa các lò giếng đứng ở các mỏ Mông Dương, Núi Béo, Hà Lầm, Hạ Long được coi là “át chủ bài” của ngành than trong mục tiêu phấn đấu xây dựng mỏ hầm lò hiện đại, ít người, việc không ngừng tìm tòi, áp dụng công nghệ khai thác mới ở những vị trí địa chất phức tạp cũng được TKV nhận định là giải pháp cần thiết để phát triển bền vững trong bối cảnh ngày một xuống sâu.

th2
Giàn khai thác cơ giới hoá đồng bộ ở Công ty Than Hạ Long.

      Bằng nỗ lực hiện đại hóa công nghệ sản xuất, thời gian qua TKV đã lựa chọn và áp dụng thành công 10 dây chuyền cơ giới hóa khai thác than; trong đó có 11 lò chợ cơ giới hóa đồng bộ và 1 tổ hợp khai thác bằng máy bào 2ANSH. Những lò chợ này cho năng suất, sản lượng than khai thác cao; hệ số an toàn ổn định và cải thiện được điều kiện làm việc cho người lao động.

      Từ năm 1998, Viện Khoa học Công nghệ mỏ đã phối hợp với các công ty than hầm lò vùng Quảng Ninh nghiên cứu và đưa vào áp dụng vì chống thuỷ lực gương khai thác. Đến nay, vì chống thủy lực được sử dụng rộng rãi và phổ biến ở nhiều mỏ hầm lò. Phạm vi và mức độ áp dụng không ngừng tăng nhanh trong những năm gần đây.

      Giữa năm 2020, Công ty CP Than Mông Dương là đơn vị hầm lò đưa công nghệ giàn chống hạng nhẹ vào sử dụng. Việc đầu tư đồng bộ thiết bị cơ giới hoá loại nhẹ thay thế cho công nghệ khai thác thủ công tại Than Mông Dương đã nâng cao công suất, năng suất lao động rõ rệt. Mức độ an toàn và việc cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động cũng được bảo đảm hơn; giảm được số lò chợ hoạt động đồng thời, mà vẫn đảm bảo được sản lượng yêu cầu…

      Song song với đó, công nghệ đào lò của TKV cũng có những bước tiến vượt bậc. Nếu như trước đây, các mỏ hầm lò chủ yếu áp dụng công nghệ khoan nổ mìn, xúc bốc thủ công, hoặc bán cơ giới hóa, thì nay đã được thay thế bằng máy móc. Đối với công tác vận tải hầm lò, TKV đặc biệt giành nhiều sự quan tâm, bởi đây được xem là khâu quyết định đến vấn đề năng suất, sản lượng và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động. Hiện nay, các mỏ hầm lò của TKV đang quản lý, vận hành trên 400 đầu tàu, goòng các loại; hơn 1.400 bộ máng cào được lắp đặt trong các vị trí sản xuất. Hầu hết, các đơn vị đã đầu tư nâng cấp hệ thống băng tải, đưa than từ trong khu vực khai thác ra ngoài mặt bằng với tổng số lượng hơn 1.000 bộ…

th3
TKV tiến hành đồng bộ một số thiết bị bóc xúc với vận tải.

      Các mỏ lộ thiên vùng Quảng Ninh hiện có gồm: Công ty CP Than Hà Tu, Công ty CP Than Cọc Sáu, Công ty CP Than Đèo Nai và Công ty CP Than Cao Sơn. Bình quân mỗi năm, sản lượng than khai thác từ các mỏ này chiếm 30-40% tổng sản lượng than nguyên khai của TKV. Để đảm bảo được tỷ trọng than khai thác theo yêu cầu của Tập đoàn, trung bình mỗi năm, các mỏ thực hiện nhiệm vụ bóc xúc 167-189 triệu m3 đất đá, với hệ số bóc dao động 11,2-11,5 m3/năm.

      Tuy nhiên, muốn giảm giá thành sản xuất than trong điều kiện khai thác ngày một khó khăn, khối lượng đất đá bóc xúc khổng lồ này cần phải thực hiện bằng hạ tầng kỹ thuật và công nghệ hiện đại, đồng bộ. Nhận định rõ tầm quan trọng của vấn đề này, các mỏ lộ thiên của TKV đã tiến hành đồng bộ một số thiết bị bóc xúc với vận tải. Đó là, đồng bộ máy xúc chạy điện EKG và máy xúc thủy lực có dung tích gầu 3,5-6,7mvới ô tô trọng tải 36-58 tấn. Sự kết hợp này được nhận định là tương đối phù hợp trong điều kiện khai thác mỏ hiện nay. Năng suất của các loại máy xúc này đều tăng 101-122% so với định mức. Đặc biệt, các loại máy xúc có dung tích gầu 8-12m3 đã được các mỏ kết hợp với ô tô có tải trọng 90-130 tấn…

th4
TKV đã đầu tư các loại ô tô chở đất đá có tải trọng 98-130 tấn.

      Nổi bật nhất, TKV đã đầu tư các loại ô tô chở đất đá có tải trọng lên đến 130 tấn; khai thông các mỏ lộ thiên để tạo ra những khai trường lớn hơn, từng bước băng tải hóa vận chuyển than, đất đá và sử dụng công nghệ vận tải liên hợp ô tô - băng tải tại mỏ than Cao Sơn với công suất 20 triệu m3/năm để giảm giá thành, chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường... Qua đó, từng bước giúp mục tiêu phát triển KH&CN của TKV giai đoạn 2021 - 2025 là chuyển đổi mô hình khai thác mỏ lộ thiên truyền thống sang mỏ lộ thiên thông minh, hiện đại, phát triển bền vững, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

      Với những đột phá về công nghệ, TKV đang khẳng định năng lực của một tập đoàn kinh tế mạnh, xứng đáng là một trong những trụ cột về an ninh năng lượng của quốc gia./.

QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây