Tham gia chuyến đi có đồng chí Nguyễn Thị Bích Hồng - Kế toán trưởng Công ty, đồng chí Đào Anh Tuấn - Trưởng Phòng Vật tư, cùng CBCNV Phòng Kế toán, Phòng Vật tư và Phân xưởng Khai thác 1.
Trong ngày 18/5, điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là tham quan khu du lịch sinh thái Thung Nham.
Vườn chim Thung Nham là khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất miền Bắc, tọa lạc trong khu du lịch sinh thái Thung Nham, thuộc quần thể danh thắng Tràng An nổi tiếng, cách thành phố Ninh Bình 12km về hướng Đông - Nam. Với địa thế nằm ẩn sâu giữa những dãy núi trùng điệp tạo thành bức tường đá vôi che chắn gió. Vườn chim Thung Nham được biết đến là “ngôi nhà” lý tưởng của rất nhiều loài chim. Khu bảo tồn vườn chim Thung Nham tọa lạc giữa hồ Tiên xanh mát, có diện tích rộng khoảng 18ha. Hồ nước ở đây rất thơ mộng, luôn trong xanh 4 mùa, du khách có thể đi dạo, ngắm cảnh quanh hồ. Tại đây, đoàn có thể ngỡ ngàng khi bắt gặp rất nhiều loài chim như cò, vạc, le le, chích chòe lửa, mòng két, đặc biệt là hai loài quý hiếm ghi tên mình trong sách đỏ: Hằng Hạc và Hồng Hoàng (Phượng Hoàng đất).
Thiên đường hoa Thung Nham có diện tích hơn 800 m2 với hai đồi hoa trung tâm và các vườn hoa mở rộng xung quanh. Nơi đây có tổng cộng khoảng 30 giống hoa được trồng phân bố theo các mùa trong năm.
Sau bữa ăn tối, đoàn đến thăm quan phố cổ Hoa Lư. Tọa lạc tại khuôn viên Núi Kỳ Lân, Phố cổ Hoa Lư được xây dựng dựa trên ý tưởng về văn hóa truyền thống của nước Đại Việt vào những năm thế kỷ thứ X. Có thể nói, Phố cổ Hoa Lư ra đời nhằm để tái hiện và phục dựng lại tất cả nét đẹp của kiến trúc cũng như nền văn hóa thời bấy giờ. Không gian tại Phố cổ Hoa Lư vô cùng rộng lớn, được chia thành hai khu vực là nơi giới thiệu sản phẩm và khu ẩm thực. Khung cảnh nơi đây được thiết kế dựa trên nét văn hóa, truyền thống của đất nước ta vào thế kỷ X nên vô cùng cổ kính, uy nghi.
Ngày hôm sau 19/5, đoàn đã tham quan cố đô Hoa Lư. Cố đô Hoa Lư là đế đô đầu tiên của nước ta, tồn tại trong 42 năm. Mảnh đất này là nơi đã chứng kiến sự nghiệp dựng nước và giữ nước oai hùng của 12 năm triều Đinh (968 - 980), 29 năm triều Tiền Lê (980 - 1009) và đầu nhà Lý (1009 - 1010).
Đoàn đã đến tham quan di tích đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng. Là một trong những công trình kiến trúc độc đáo của nước ta được xây dựng từ thế kỷ 17, đền Vua Đinh Tiên Hoàng là quần thể bao gồm các công trình uy nghi như ngọ môn quan, núi giả, hồ sen, vườn hoa, nghi môn ngoại, nghi môn nội cùng ba tòa bái đường, Thiên Hương và hậu cung. Trong cùng là Hậu đặt tượng Vua Đinh cùng các con trai ông. Ngày nay, nơi đền thờ vua vẫn còn đó những cổ vật quý báu như đôi voi chầu, cặp bảo vật long sàng đá (sập đá) được đặt ở vị trí Sân rồng, tạc hoàn toàn từ đá xanh nguyên khối với những đường nét chạm khắc tinh xảo.
Không chỉ vậy, đền Vua Đinh còn được trang trí bởi nhiều hình dáng, họa tiết chạm khắc tinh xảo trên những cột gỗ, đá với hình rồng, mây, tiên nữ, hoa lá, v.v… Đây là những minh chứng rõ nét nhất thể hiện được sự tài hoa, khéo léo của những người nghệ nhân của thế kỷ 17 ngày trước.
Rời đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng, đoàn di chuyển đến Đền Vua Lê. Tọa lạc tại vị trí cách đền Vua Đinh khoảng độ 500m chính là đền Vua Lê Đại Hành với quy mô nhỏ hơn. Ngôi đền được xây dựng với ba tòa gồm Bái Đường, Thiên Hương thờ Phạm Cự Lượng - người có công giúp Lê Hoàn lên ngôi ngày trước. Ở khu vực chính cung là nơi thờ Vua Lê Đại Hành, bên trái là Lê Ngọa Triều - con trai Vua Lê, bên phải thờ hoàng hậu Dương Vân Nga. Trước đền là quảng trường trung tâm Cố đô Hoa Lư, sau đền là hào nước bảo vệ cố đô ngày trước chạy quanh dưới chân núi Đìa.
Rời đền vua Lê, điểm đến tiếp theo của đoàn là đến thăm quan Núi Non Nước (tên cổ là Dục Thúy Sơn), đền thờ Trương Hán Siêu và Chùa Non Nước.
Di tích lịch sử Núi Non Nước (xưa là Dục Thúy Sơn) là một ngọn núi nằm bên ngã ba sông Đáy và sông Vân thuộc phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình. Nơi đây không chỉ được mệnh danh là “Tiên cảnh chốn trần gian” mà còn được gọi là "Bảo tàng thơ ca" với hơn 40 bài thơ của danh nhân được khắc trên vách đá. Núi Non Nước Ninh Bình còn là ngọn núi được nhiều danh sĩ chọn làm thơ. Ngày nay vẫn còn khoảng 30 bài thơ đã được các vị vua, quan, danh nhân và nhà thơ khắc vào đá. Ví như Trương Hán Siêu, Lê Thánh Tông, Lê Hiển Tông, Thiệu, Trị, Tự Đức, Phạm Sư Mạnh, Tản Đà...Trong đó, bài thơ được Trương Hán Siêu sáng tác và khắc trên đá cũng chính là bài thơ đặt tên cho ngọn núi này.
Đền thờ Trương Hán Siêu: Đền thờ Trương Hán Siêu nằm dưới chân núi Non Nước. Nơi đây được xây dựng lên để thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu. Đền thờ Trương Hán Siêu được kiến trúc theo kiểu chữ Đinh. Trên đỉnh đền có hai con rồng chầu mặt nguyệt. Gian Bái Đường ở hai bên cắm bát cửu. Gian cuối cùng của Hậu Cung có tượng thờ Trương Hán Siêu được đúc bằng đồng.
Chùa Non Nước là một ngôi chùa cổ tọa lạc dưới chân núi Non Nước. Ngôi chùa này chính là một di tích lịch sử, chứng kiến quá trình chuyển giao chế độ từ nhà Đinh sang nhà Lê
Chuyến đi đã để lại trong mỗi thành viên của đoàn những kỷ niệm thật sâu lắng, vui vẻ và đầy ý nghĩa. Sau chuyến đi các thành viên trong đoàn đã gửi lời cảm ơn đến Ban lãnh đạo Công ty, lãnh đạo hai phòng Kế toán và Vật tư đã quan tâm đến đời sống tinh thần của CBNV. Chuyến đi đã mang lại những giây phút nghỉ ngơi, thư giãn cũng như tăng thêm tinh thần đoàn kết gắn bó giữa CBCNV, từ đó có thêm tinh thần làm việc hăng say, hiệu quả cao, góp phần cùng Công ty hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2024./.