Nằm án ngữ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, tỉnh Quảng Ninh được ví như là một “Việt Nam thu nhỏ” do có cả biển, đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi và biên giới; cảnh trí tươi đẹp, kỳ vĩ, hiền hòa, vô cùng sống động. Quảng Ninh được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh tươi đẹp (có trên 600 di tích lịch sử danh lam thắng cảnh được xếp hạng), nhiều cảnh quan có giá trị toàn cầu, như vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, với hơn hai nghìn hòn đảo, chiếm hơn 2/3 số đảo cả nước, trải dài theo đường ven biển hơn 250km. Đặc biệt, vịnh Hạ Long - kỳ quan thiên nhiên có một không hai trên thế giới - đã hai lần được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; Quảng Ninh còn có danh thắng Yên Tử - một trung tâm Phật giáo lớn của Việt Nam... Có thể nói, tạo hóa đã ưu đãi ban tặng cho vùng đất Quảng Ninh nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có một không hai về địa mạo, địa chất, những di sản văn hóa - lịch sử - tâm linh mang trong mình hồn cốt nghìn năm của mảnh đất địa đầu Đông Bắc. Ngoài ra trong lòng đất của Quảng Ninh hội tụ một kho báu tài nguyên khoáng sản giàu có nhất là về than (chiếm khoảng 95% trữ lượng than của cả nước) và chính sự phát triển của ngành công nghiệp khai khoáng cùng với quá trình đấu tranh cách mạng nơi đây là cái nôi hình thành nên giai cấp công nhân Việt Nam. Đây chính là giá trị khác biệt, cơ hội nổi trội không nơi đâu có được, là một tài sản, nguồn lực, động lực phát triển đặc biệt của tỉnh.
Trong suốt chiều dài lịch sử các thế hệ người dân Quảng Ninh đã quần tụ trên dải đất địa linh nhân kiệt, cùng nhau đồng lòng chung sức đấu tranh vượt qua mọi khó khăn gian khổ, mở rộng không gian sinh tồn, ghi đậm nhiều dấu ấn trong truyền thống lịch sử đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, tạo nên hồn thiêng dân tộc như: Trận Bạch Đằng Giang năm 938, Ngô Quyền chiến thắng quân Nam Hán; trận đại thắng đế quốc Nguyên mông năm 1288 do Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn lãnh đạo; trận Vân Đồn - Cửa Lục năm 1288 dưới sự chỉ huy của Trần Khánh Dư. Đến thời kỳ hiện đại, với cuộc Tổng bãi công của hàng vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936, giương cao khẩu hiệu “Kỷ luật và đồng tâm” mở ra thời kỳ đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam.
Trải qua quá trình lịch sử, ngày 30/10/1963, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà khoá II đã phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành tỉnh Quảng Ninh. Sau khi được thành lập, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã sớm ổn định tổ chức, bắt tay ngay vào lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chi viện cho miền Nam ruột thịt, giành những thắng lợi to lớn.
60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh luôn nêu cao truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt trong những thập kỷ gần đây, mặc dù bối cảnh, tình hình chung còn có nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tỉnh Quảng Ninh bằng ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện đã đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng đội ngũ cán bộ tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều đổi mới. Phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất về ý chí và hành động để thực hiện có hiệu quả các quyết sách đổi mới. Hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền có nhiều tiến bộ, coi trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh với cách làm và sự đầu tư bài bản, thực sự đặt người dân, doanh nghiệp ở vị trí trung tâm và đã tạo ra bước đột phá mới, trở thành địa phương duy nhất nhiều năm liền dẫn đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và các chỉ số phản ánh chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ nhân dân. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều đổi mới; mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân ngày càng được củng cố, khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được tăng cường.
Tỉnh đã chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách tích cực, bền vững, đúng hướng, vượt qua các khó khăn thách thức chưa từng có; đưa kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, tạo được những thành tựu bứt phá ấn tượng trong và sau đại dịch. Giữ vững đà tăng trưởng (GRDP) cao, ổn định trên 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022);
Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 đạt gần 270.000 tỷ đồng
(chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng ở khu vực phía Bắc), ước cả năm 2023 đạt 312.420 tỷ đồng,
tăng 1,5 lần so với năm 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh luôn vượt chỉ tiêu Trung ương giao, đứng ở tốp đầu cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tạo bước đột phá mới về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông chiến lược, dựa chủ yếu vào nguồn lực xã hội, kết hợp với vai trò dẫn dắt bởi nguồn lực nhà nước được đầu tư tập trung, tạo ra lợi thế cạnh tranh mới và nguồn lực, động lực mới. Liên kết vùng ngày càng chặt chẽ; gắn kết hài hòa giữa phát triển đô thị với nông thôn. Diện mạo, cảnh quan của các vùng miền trong tỉnh thay đổi từng ngày.
Văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội được chăm lo phát triển. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 8.291 USD, gấp đôi bình quân chung của cả nước (
cao nhất ở khu vực phía Bắc), ước năm 2023 đạt 9.469 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020; hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp và về đích trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin truyền thông chất lượng cao và bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Các tiềm năng về lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh được khơi dậy, phát huy; nhiều di tích văn hóa được đầu tư bảo tồn, tôn tạo; có cơ chế thích hợp để chuyển hóa thành nguồn lực phục vụ trực tiếp cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ; xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Tích cực, chủ động xây dựng Quảng Ninh thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, hội nhập kinh tế quốc tế. Hoạt động đối ngoại được chú trọng mở rộng và ngày càng đi vào chiều sâu.
Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới đang đặt ra những yêu cầu mới, cao hơn; ngày càng có nhiều thách thức của những hình thái phức tạp an ninh phi truyền thống chứa đựng nhiều yếu tố bất định như thiên tai, dịch bệnh, an ninh mạng... Nằm án ngữ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, được ví như là một “Việt Nam thu nhỏ”, với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và quan hệ giao thương quốc tế, tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới cần làm gì để sớm trở thành trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng?
1. Tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang và vị thế rất quan trọng của Quảng Ninh, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm. Phát triển nhanh nhưng phải bền vững; tránh tư tưởng chủ quan, thỏa mãn, nhất là với một tỉnh có tốc độ phát triển bứt phá như Quảng Ninh.
2. Tiếp tục kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh;
lấy con người làm trung tâm của mọi sự phát triển và mọi sự phát triển đều hướng đích vì hạnh phúc của nhân dân, tiếp tục có chính sách cụ thể phát triển văn hóa, công nghiệp văn hóa; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Quảng Ninh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo.
3. Đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thành các công trình giao thông chiến lược, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục, hạ tầng số... gắn với kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển
“một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, khai thác tối đa lợi thế của các hành lang phát triển mới, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, đất đai, bảo vệ môi trường và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng theo quy hoạch, kế hoạch...
4. Tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng cải cách hành chính tập trung vào các
trụ cột chính: Tổ chức bộ máy; công vụ, công chức; hành chính điện tử và chuyển đổi số; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng, bình đẳng
trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là đất đai, lao động giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tiếp tục giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI; g
iữ vững thương hiệu của tỉnh về một “Điểm đểm đến đầu tư an toàn, thuận lợi, minh bạch, hấp dẫn và thành công”. Bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa đổi mới cải cách hành chính và cải cách tư pháp. Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, trong sạch, vững mạnh, công khai; đạt các chuẩn mực quốc tế, minh bạch, nói không với tham nhũng, tiêu cực, coi trọng trách nhiệm giải trình, thường xuyên đối thoại với nhân dân.
5. Làm tốt nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên là bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại; xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác phát triển, tuyệt đối không để xảy ra đột xuất, bất ngờ; Xây dựng xã hội ngày càng trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh phục vụ người dân sinh sống, làm việc và du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Giữ vững môi trường an ninh, an toàn, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động về kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững...
6. Thường xuyên làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính. Đây là nhiệm vụ “then chốt”, bảo đảm cho mọi thành công của các lĩnh vực khác.