Dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Xuân Ký - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Ngô Hoàng Ngân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Trịnh Thị Minh Thanh - Phó Bí thư Tỉnh ủy; Cao Tường Huy - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, các địa phương cấp huyện, cấp xã trong tỉnh và đông đảo cán bộ, đảng viên trong tỉnh.
Trong buổi sáng, đại biểu được nghe đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương truyền đạt nội dung chuyên đề “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Theo đó, các đại biểu được quán triệt, nghiên cứu về quá trình xây dựng nghị quyết; quá trình phát triển nhận thức, quan điểm của Đảng về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực trạng quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thời gian qua; mục tiêu, quan điểm, trọng tâm tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Cụ thể, mục tiêu của Nghị quyết là hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; có hệ thống pháp luật hoàn thiện, được thực hiện nghiêm minh, nhất quán; thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân; quyền lực Nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào năm 2045.
Trọng tâm là hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật. Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước đi đôi với nâng cao năng lực thực thi; xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ðẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Nghị quyết đưa ra 10 nhiệm vụ, giải pháp. Đó là đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao nhận thức về Nhà nưóc pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững; Tiếp tục đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội; Tiếp tục thực hiện tốt thiết chế Chủ tịch nước theo Hiến pháp; Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương; xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ Nhân dân, chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả; Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân; Hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Tăng cường, chủ động hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trong chiều ngày 05/12, đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới”.
Ngày 06/12, các đại biểu sẽ được nghe đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương truyền đạt chuyên đề “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam truyền đạt chuyên đề “Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Hội nghị nhằm giúp cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và cán bộ, đảng viên nắm vững những nội dung cốt lõi, những điểm mới trong các văn kiện Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Từ đó, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại địa phương, cơ quan, đơn vị để đưa nghị quyết vào cuộc sống nhanh chóng, hiệu quả. Đồng thời, tuyên truyền rộng rãi những nội dung cơ bản, cốt lõi của nghị quyết trong các tầng lớp Nhân dân. Mặt khác, tăng cường đấu tranh phòng, chống các quan điểm sai trái, nhận thức lệch lạc của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân./.
NQ (ST)
Nguồn tin: Theo Thu Chung (baoquangninh.com.vn)
Ý kiến bạn đọc