Bước sang năm 1953, sau tám năm tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, quân và dân ta đã làm thất bại chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh" cùng âm mưu "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh" của đối phương, lập nên nhiều chiến công, như: Chiến thắng Việt Bắc (1947), Chiến thắng Biên Giới (1950), Chiến thắng Hòa Bình (12/1951 - 2/1952), Chiến thắng Tây Bắc (1952), Chiến thắng Thượng Lào (1953)… Những chiến thắng vang dội của quân và dân ta đã đẩy thực dân Pháp lún sâu vào thế bị động đối phó. Ðể cứu nguy tình hình, thực dân Pháp quyết định thay đổi chiến lược; triển khai Kế hoạch Navarre (tháng 7/1953) với hy vọng chuyển bại thành thắng.
Tháng 11/1953, thực dân Pháp tổ chức đánh chiếm Ðiện Biên Phủ, từng bước xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm, âm mưu đánh bại lực lượng chủ lực của ta. Trước động thái của thực dân Pháp, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định: "Vô luận rồi đây địch tình thay đổi thế nào, địch nhảy dù xuống Ðiện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta". Nhận định của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp là cơ sở quan trọng để Bộ Tổng Tư lệnh từng bước hoạch định Ðiện Biên Phủ trở thành trung tâm trong Kế hoạch tác chiến Ðông Xuân 1953 - 1954.
Ðầu tháng 12/1953, thực dân Pháp quyết định tăng cường lực lượng lên Tây Bắc, xây dựng Ðiện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh - một "pháo đài không thể công phá", để giúp chúng đạt được mưu đồ thay đổi cục diện chiến trường. Trước chuyển biến mau lẹ, ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị họp nghe Ðại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt Tổng Quân ủy báo cáo tình hình cùng phương án dự kiến tiến công Ðiện Biên Phủ. Hội nghị quyết định mở chiến dịch Ðiện Biên Phủ với mật danh "Trần Ðình" và nhất trí thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân ủy. Ðể trực tiếp tổ chức và thực hành chiến dịch, Bộ Chính trị quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Ðảng ủy Mặt trận Ðiện Biên Phủ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Ðảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng.
Ngày 14/1/1954, tại Sở chỉ huy chiến dịch ở Thẩm Púa, Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch mở Hội nghị cán bộ phổ biến Kế hoạch tác chiến chiến dịch theo phương châm "đánh nhanh, giải quyết nhanh" và giao nhiệm vụ cho các đơn vị tiến hành công tác chuẩn bị. Tuy nhiên, trong thời gian chuẩn bị chiến trường, bằng nhãn quan quân sự nhạy cảm, sắc bén, Ðại tướng nhanh chóng phát hiện những điểm yếu của phương án "đánh nhanh, giải quyết nhanh".
Sau một đêm thức trắng, sáng 26/1/1954, sau khi hội ý với Trưởng đoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh, Ðại tướng đã cùng Ðảng ủy Mặt trận nghiên cứu lại phương án tác chiến. Ðại tướng đã trình bày quan điểm về phương án tác chiến tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm, phân tích những thay đổi quan trọng về phía địch từ sau Hội nghị Thẩm Púa, cùng những khó khăn chưa thể khắc phục của ta. Từ đó, Ðại tướng khẳng định: Phương án "đánh nhanh, thắng nhanh" không thể bảo đảm nguyên tắc cao nhất là "đánh chắc thắng". Ðại tướng quả quyết ta vẫn giữ vững quyết tâm tiêu diệt địch ở Ðiện Biên Phủ, nhưng phải thay đổi cách đánh và phương châm tác chiến.
Quyết định hoãn cuộc tiến công, thay đổi phương châm tác chiến là một quyết định quyết đoán, dũng cảm, thể hiện tầm cao trí tuệ, bản lĩnh chính trị của Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Ðảng ủy Mặt trận trước Ðảng, nhân dân và Quân đội. Quyết định đó bảo đảm thực hiện đúng tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn".
Quán triệt, thực hiện phương châm tác chiến mới của Hội nghị Ðảng ủy chiến dịch (26/1/1954), ngày 07/2/1954, Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy chiến dịch triệu tập Hội nghị cán bộ bàn phương hướng thực hiện kế hoạch tác chiến theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Sau khi công tác chuẩn bị hoàn thành, đúng 17 giờ 5 phút ngày 13/3/1954, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Ðảng ủy Mặt trận ra lệnh nổ súng tiến công địch mở màn chiến dịch Ðiện Biên Phủ.
Trên cương vị Bí thư, Ðại tướng cùng tập thể Ðảng ủy Mặt trận đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ động viên tinh thần cán bộ, chiến sĩ, xây dựng quyết tâm, giải quyết những vấn đề chính trị tư tưởng phát sinh trong quá trình chuẩn bị và chiến đấu, tạo nên khối đoàn kết thống nhất trên toàn mặt trận. Trong bức thư gửi cán bộ, chiến sĩ trước ngày nổ súng (10/3/1954), Ðại tướng kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ, các đơn vị trên Mặt trận Ðiện Biên Phủ nhận rõ vinh dự được tham gia vào chiến dịch lịch sử này: "… mong các đồng chí giữ vững và nâng cao quyết tâm diệt địch, quán triệt phương châm "đánh chắc, tiến chắc" của Trung ương, giữ vững và nâng cao tinh thần chiến đấu liên tục, dẻo dai, chiến đấu thật dũng cảm, tiêu diệt thật nhiều địch".
Trong quá trình chiến dịch, bên cạnh việc động viên, khích lệ, ngợi khen những cố gắng, những chiến công của cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận, Ðại tướng cũng nghiêm khắc, đấu tranh, phê bình những khuyết điểm, sai lầm của cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận. Tại Hội nghị Bí thư các đại đoàn, trung đoàn và các đồng chí phụ trách các tổng cục ở Mặt trận Ðiện Biên Phủ (từ ngày 27-29/4/1954), Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ rõ tư tưởng hữu khuynh tiêu cực, ngại khó khăn, gian khổ, ngại hy sinh, chưa tin tưởng hoàn toàn vào cách đánh mới. Ðó là trở ngại lớn nhất trên con đường đi đến thắng lợi hoàn toàn. Sau khi phân tích những biểu hiện và nguyên nhân của tư tưởng hữu khuynh, Ðại tướng đã đưa ra những biện pháp, chỉ đạo đấu tranh phê bình và tự phê bình trong nội bộ để đi đến sự đoàn kết, thống nhất, tạo sức mạnh tổng hợp tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Nhờ đó, một khí thế mới dâng lên khắp các đơn vị sau đợt học tập. Ðây là một thành công rất lớn của công tác chính trị trên Mặt trận Ðiện Biên Phủ, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của chiến dịch.
Cùng với những quyết định quan trọng về tác chiến, chính trị, tinh thần, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp còn trực tiếp cùng Ðảng ủy, Bộ Chỉ huy Mặt trận Ðiện Biên Phủ giải quyết một loạt các vấn đề kỹ thuật, hậu cần của chiến dịch. Tiếp thu kinh nghiệm của cố vấn Trung Quốc, Bộ Chỉ huy chiến dịch nghiên cứu, thiết kế và chỉ đạo thi công trận địa chiến hào bao vây địch tại Ðiện Biên Phủ. Trên thực tế, trận địa chiến hào là một sáng tạo về chiến thuật của quân ta trong thế trận "vây lấn" quân địch tại Ðiện Biên Phủ.
Trước tình hình hậu cần chiến dịch gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết, mưa to, máy bay địch đánh phá, Ðại tướng đã phải tạm giao việc chỉ huy tác chiến cho Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái để cùng tập thể cán bộ hậu cần chiến dịch bàn phương án khắc phục, đưa nhanh gạo ra mặt trận. Ðại tướng gửi gấp một điện khẩn báo cáo Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng, đề nghị tăng cường động viên sức người, sức của cho tiền tuyến.
Với sự quyết tâm cao và làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, bộ đội ta mở một loạt các trận tiến công tiêu diệt các cứ điểm của địch, siết chặt vòng vây trong khu vực lòng chảo, đẩy địch lâm vào tình trạng hoang mang cực độ. Vào 15 giờ ngày 07/5/1954, Ðại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh chuyển sang tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch tại Ðiện Biên Phủ: "Không cần đợi trời tối, lập tức mở cuộc tổng công kích vào Mường Thanh... Phải đánh thật mạnh, bao vây thật chặt, không để cho Ðờ Cát hoặc bất cứ tên địch nào chạy thoát". Thực hiện mệnh lệnh của Chỉ huy trưởng chiến dịch, các đơn vị tham gia đẩy mạnh tiến công, tiêu diệt các mục tiêu được phân công, đánh chiếm Sở Chỉ huy địch, bắt Ðờ Cát cùng toàn bộ ban tham mưu của tập đoàn cứ điểm, hoàn thành thắng lợi chiến dịch Ðiện Biên Phủ.
Thắng lợi của chiến dịch Ðiện Biên Phủ là chiến công vẻ vang của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến thắng đó cũng gắn liền với tên tuổi của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp - Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Ðảng ủy Mặt trận Ðiện Biên Phủ. Hình mẫu người chỉ huy, Bí thư Ðảng ủy của Ðại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ mãi soi sáng để đội ngũ cán bộ quân đội học tập, noi theo sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới, xây dựng quân đội "tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại"./.
QN
Ý kiến bạn đọc