Trường hợp 1: Giấy chứng nhận kiểm định lần đầu hoặc Tem kiểm định lần đầu của xe cơ giới thuộc đối tượng miễn kiểm định bị mất thì trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận kiểm định lần đầu, Tem kiểm định lần đầu, chủ sở hữu phương tiện;
Hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật đến các đơn vị đăng kiểm khai báo theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 2/2023/TT-BGTVT để được in lại 01 lần duy nhất Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định (Chủ xe không phải mang xe đến đơn vị đăng kiểm).
Trường hợp 2: Giấy chứng nhận kiểm định hoặc Tem kiểm định của xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu bị hư hỏng, có sự sai lệch so với thông tin của xe thì chủ xe mang Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định đã được cấp đến đơn vị đăng kiểm và khai báo theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 2/2023/TT-BGTVT để đơn vị đăng kiểm rà soát, kiểm tra thông tin và để được in lại Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định (Chủ xe không phải mang xe đến đơn vị đăng kiểm).
Giấy chứng nhận kiểm định là gì?
Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT, Giấy Chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận kiểm định) là chứng chỉ xác nhận xe cơ giới đã được kiểm định và thỏa mãn các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về chất lượng ATKT và BVMT.
Quy định về thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định
Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận kiểm định và Tem kiểm định cấp theo chu kỳ kiểm định quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư 16/2021/TT-BGTVT nhưng không vượt quá ngày hết hạn của Giấy đăng ký xe (nếu có) hoặc ngày xe cơ giới hết niên hạn sử dụng.
Trong đó, xe cơ giới được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định có thời hạn hiệu lực 15 ngày khi kiểm định đạt yêu cầu trong các trường hợp sau:
- Xe cơ giới bị cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định theo quy định tại khoản 12 Điều 80 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
- Xe cơ giới đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ chuyển vùng; xe cơ giới đã được cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo; xe cơ giới mới sản xuất lắp ráp đã có Phiếu kiểm tra xuất xưởng; xe cơ giới nhập khẩu đã có Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu;
- Xe cơ giới xuất khẩu đã có Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe sản xuất lắp ráp (trường hợp không có Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe sản xuất lắp ráp phải có tài liệu của nhà sản xuất) có nhu cầu tham gia giao thông để di chuyển về địa điểm xác định (khi kiểm định không phải xuất trình, nộp các giấy tờ quy định tại Điều 6 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT).
- Xe cơ giới có nhu cầu di chuyển để phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm trước khi thực hiện chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong sản xuất, lắp ráp xe cơ giới.
Đối với trường hợp này, khi kiểm định chủ xe không phải xuất trình, nộp các giấy tờ quy định tại Điều 6 Thông tư 16/2021/TT-BGTVT này tuy nhiên cần cung cấp các tài liệu sau: Hồ sơ thiết kế; Tài liệu chứng minh phương tiện được chạy tự kiểm tra trong đường nội bộ của nhà máy đảm bảo an toàn tối thiểu 3000 km; Văn bản cam kết của nhà sản xuất về việc chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong quá trình di chuyển để phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm trong đó bao gồm cả phạm vi, tuyến đường, thời gian hoạt động; Bản khai thông số kỹ thuật kèm theo biên bản kiểm tra chất lượng sản xuất lắp ráp của nhà sản xuất và mục ghi chú của Giấy chứng nhận kiểm định được cấp phải ghi: “Chủ xe phải chạy đúng phạm vi, tuyến đường, thời gian hoạt động và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn trong quá trình di chuyển”.