Vùng mỏ, tháng Tư năm ấy…

Thứ năm - 25/04/2024 12:10 729 0
Quá khứ đã lùi xa, nhưng trong ký ức của nhiều người dân, đặc biệt là những người từng tham gia tiếp quản Vùng mỏ (tháng 4/1955) vẫn nhớ mãi thời khắc thiêng liêng ngày đầu giải phóng. Tháng Tư về, gợi nhớ về một thời đã xa, khơi dậy niềm tự hào, xúc động về sự đổi thay tích cực của quê hương.
Bộ đội ta vào tiếp quản TX Hòn Gai tháng 4/1955 trong sự chào đón tưng bừng của người dân.
Bộ đội ta vào tiếp quản TX Hòn Gai tháng 4/1955 trong sự chào đón tưng bừng của người dân.

Vùng mỏ ngày mới tiếp quản

Năm 1954 Hiệp định Genève được ký kết, nêu rõ trong vòng 300 ngày sau khi ký, thực dân Pháp phải rút quân khỏi miền Bắc. Mặc dù vậy, với dã tâm của kẻ xâm lược, ở Vùng mỏ chúng thực hiện chế độ thiết quân luật, xóa bỏ quyền dân chủ mà Hiệp định quy định. Chúng liên tiếp tổ chức các cuộc tập trận, hành quân vây ráp; ráo riết thực hiện mọi thủ đoạn vơ vét sức người, sức của. Bọn chủ mỏ Pháp khai thác than một cách ồ ạt; đồng thời tìm mọi thủ đoạn để di chuyển máy móc, thiết bị ra khỏi Vùng mỏ.

Thế nhưng, chúng ta không chịu bó tay nhìn chúng cướp đi tài nguyên, công sức của mình. Với sự chỉ đạo của Trung ương, Đặc khu ủy Hòn Gai đã cho các cơ sở của ta trong Vùng mỏ bí mật thành lập các tổ tự vệ công nhân để bảo vệ máy móc thiết bị và các cơ sở công nghiệp.

Thời điểm này, Trung đoàn 244 - đơn vị tập trung từ các chiến trường phía Bắc, được giao nhiệm vụ tiếp quản và bảo vệ vùng mới giải phóng. Trong ký ức của Đại tá Phùng Ngọc Hùng, nguyên cán bộ Trung đoàn 244, được trở về chiến đấu giải phóng quê hương là một sự tự hào khôn xiết. “Sau thành công của Chiến dịch Điện Biên Phủ và tiếp quản TX Sơn Tây (Hà Nội), tôi được điều động về ban pháo binh của Trung đoàn 244 làm nhiệm vụ tiếp quản, bảo vệ Vùng mỏ Hồng Quảng. Tôi phụ trách pháo binh, lựa chọn các khu vực xung yếu mạnh phòng thủ, ở đất liền bố trí pháo đặt tại Cửa Ông (Cẩm Phả) đến Phà Rừng (Quảng Yên) và tại các tuyến đảo từ Cô Tô, Ngọc Vừng, Hòn Rồng, nhằm đề phòng tàu biệt kích của địch đổ bộ đánh bất ngờ. Sáng 22/4/1955 chúng tôi tiến vào tiếp quản Cửa Ông, Cọc Sáu, Đèo Nai, rồi sang Quang Hanh, Hà Tu, Hà Lầm và về TX Hòn Gai. Ngay khi tên lính viễn chinh Pháp cuối cùng bước lên tàu rút khỏi Vùng mỏ vào trưa ngày 24/4/1955, cờ hoa rợp trời một vùng biển” - Đại tá Phùng Ngọc Hùng xúc động kể.

“Nước Pháp đã phải công nhận nước ta độc lập và thống nhất. Những vùng quân đội Pháp chiếm đóng trước đây đã lần lượt được giải phóng, đồng bào Hòn Gai, Quảng Yên lại được sống tự do” - Đó là lời khẳng định trong bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại cuộc mít tinh ra mắt Ủy ban quân chính Hồng Quảng tại TX Hòn Gai sáng 25/4/1955, đã khơi dậy niềm tự hào, hạnh phúc vỡ òa của người dân Vùng mỏ ngày đầu tự do.

Cuộc sống mới, khí thế mới

g2
Đại tá Phùng Ngọc Hùng (phải) kể lại câu chuyện về những ngày đầu tiếp quản Vùng mỏ.

Vùng mỏ được quân và dân ta tiếp quản, người dân được làm chủ cuộc đời và vùng đất quê hương. Thế nhưng công cuộc bảo vệ khu mỏ mới được giải phóng đặt ra nhiều thách thức. Đại tá Phùng Ngọc Hùng kể: Thời điểm ấy, sau khi Pháp rút khỏi Hòn Gai, chúng đã gài lại một số tổ chức phản động của Voòng A Sáng, Lục Văn Thông nhằm phá hoại công cuộc lao động hòa bình của nhân dân ta. Trước tình hình đó, tại Vùng mỏ đã thiết lập trật tự, chế độ quản lý của chính quyền cách mạng, giữ vững an ninh chính trị, ổn định xã hội; tạo thuận lợi để Vùng mỏ nhanh chóng khôi phục kinh tế. Chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ tầng lò, nhà máy, bến cảng đã hoạt động trở lại. Từ đó khơi dậy phong trào quần chúng sôi nổi, tạo khí thế mới thực hiện kế hoạch hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi sản xuất, cải tạo XHCN, xây dựng và bảo vệ quê hương. Đó là phong trào “3 nhất” trong ngành Than (sản xuất nhất, học tập huấn luyện nhất, bảo vệ an toàn nhất), sản xuất than như quân đội đánh giặc; phong trào thanh niên “3 sẵn sàng”, phụ nữ “3 đảm đang”… Người dân có công ăn việc làm, nhiều thanh niên trong lao động sản xuất đã trở thành những hạt giống đỏ, tự hào được đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trong cuộc vận động cách mạng đó đã ra đời đội ngũ dân quân tự vệ được rèn luyện, thử thách, chính là Binh đoàn Than huyền thoại. Đây là một trong những LLVT địa phương phát triển từ tiểu đội đến đại đội, được trang bị vũ khí, xung kích trong sản xuất, tuần tra canh gác, bảo vệ công trường, nhà máy, tầng lò, xóm thợ, khu phố, chi viện cho chiến trường miền Nam...

Các lực lượng quân đội, công an và chính quyền cách mạng đã phối hợp chặt chẽ trong việc giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đã bắt và Tòa án cách mạng tuyên án tử hình tên Phan Năm - một gián điệp, tay sai đắc lực cho thực dân Pháp và bọn chủ mỏ, đã từng đàn áp nhiều cuộc đấu tranh của công nhân - được cài lại tại Nhà máy Cơ khí Đèo Nai - Cẩm Phả. Nhờ đó người dân, đặc biệt lực lượng công nhân phấn khởi, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ. Quảng Ninh cũng trở thành một trong những hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam.

69 năm đã trôi qua nhưng không khí hào hùng của những ngày đầu giải phóng Vùng mỏ vẫn luôn sống mãi, là động lực mạnh mẽ để chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh tiếp tục phát huy truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây