Tự hào báo Than được đồng chí Nguyễn Văn Cừ chỉ đạo
Thứ bảy - 13/01/2024 10:155550
Trong giai đoạn trước và sau năm 1930, nhiều nhà lãnh đạo của Đảng đã hoạt động tại Vùng mỏ Quảng Ninh, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng ta.
Tìm hiểu những hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ tại Quảng Ninh, những người làm báo của Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh chúng tôi thật tự hào về báo Than, ngọn nguồn của Báo Quảng Ninh, nay là Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, đã từng được đồng chí Nguyễn Văn Cừ chỉ đạo.
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ tham gia trong tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên từ khi 17 tuổi. Bị mật thám Pháp phát hiện và bị đuổi học ở trường Bưởi, được tổ chức phân công đi “vô sản hóa” ở Vùng mỏ Quảng Ninh từ cuối năm 1928 và trở thành nhà cách mạng chuyên nghiệp. Không quản hiểm nguy, gắn bó với phong trào công nhân, đồng chí đã thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở khu mỏ Quảng Ninh, sau đó chỉ đạo thành lập Đảng ủy Đặc khu mỏ ở Quảng Ninh.
Cuối năm 1928, nhóm đảng viên từ Hải Phòng, Thái Bình ra Cẩm Phả, Cửa Ông đã họp lại thành lập một chi bộ, trực thuộc Thành ủy Hải Phòng. Đây là Chi bộ Đảng Thanh niên đầu tiên ở Quảng Ninh. Ngay ngày thành lập, chi bộ đã quyết định cho ra một tờ báo lấy tên là Than để phân phát cho công nhân, tuyên truyền giác ngộ cách mạng cho họ.
Tòa soạn báo là ngôi nhà tạm trú do mấy anh chị em thuê với giá rẻ để ở. Đó là ngôi nhà nhỏ trước phố Boóc-đô, nay là phố Quang Trung - nằm trong khu Phố Cũ, Cẩm Phả. Người viết các bài chính là đồng chí Đặng Châu Tuệ, Bí thư Chi bộ. Người in là nữ đảng viên Vũ Thị Mai, nguyên nữ sinh Trường Giăng Duy-puy Hải Phòng, đang là công nhân nhà sàng.
Báo Than in khổ nhỏ trên nửa trang giấy thếp học trò. Lúc đầu in thạch (thạch trắng đun nóng cho chảy đổ vào khay chờ nguội đông lại rồi đặt bản thảo xoa nhẹ, mực từ lớp thạch thấm lên in vào giấy. Mỗi lần được chừng 100 bản. Muốn in tiếp phải nấu lại thạch, đặt bản thảo khác). Mực in không có, đồng chí Vũ Thị Mai trộn hắc ín với muội đèn làm mực. Ra được mấy số, Thành ủy Hải Phòng cấp bàn in đá và mực in. Bàn in đá (in li-tô: Dùng kim viết chữ ngược lên mặt đá rồi lăn mực cho mực lọt xuống nét bút, đặt giấy trắng xoa lên, mực thấm lên giấy thành dương bản. In xong phải mài đá cho nhẵn, khi in lại viết tiếp).
Giữa năm 1929, Chi bộ chuẩn bị số báo Than đặc biệt kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga cùng với việc chuẩn bị treo cờ, căng khẩu hiệu, rải truyền đơn, đặt mìn đường tàu, phá trạm biến thế điện. Vừa may, đồng chí Nguyễn Văn Cừ thay mặt Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ đạo uốn nắn kịp thời. Đồng chí phân tích sai lầm manh động trong dự định nổ mìn nhưng khuyến khích hoạt động tuyên truyền trên báo Than. Đồng chí góp ý cả về nội dung và hình thức số báo Than đặc biệt này.
Sau những hoạt động kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga gây chấn động, bọn mật thám Pháp kéo về truy lùng ráo riết. Các đồng chí Đặng Châu Tuệ và Vũ Thị Mai rút về Hải Phòng, một số đảng viên sa vào tay mật thám. Sau gần một năm tuyên truyền cách mạng rất có hiệu quả, báo Than không ra được nữa.
Tháng 2/1930, các đồng chí Đặng Châu Tuệ, Vũ Thị Mai được Thành ủy Hải Phòng đưa về Mạo Khê hoạt động. Ở đây đã có Chi bộ Đảng Thanh niên. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ và đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã về Mạo Khê chỉ đạo thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản. Ngày 23/2/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Quảng Ninh thành lập tại đây. Chi bộ quyết định ra báo và lại lấy tên là báo Than. Người chủ chốt làm báo Than vẫn là Bí thư Chi bộ Đặng Châu Tuệ và đảng viên Vũ Thị Mai. Trước khi đưa in, bài vở được đồng chí Nguyễn Văn Cừ đọc và trực tiếp sửa chữa. Số báo đặc biệt kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động ra ngày 1/5/1930 đã đăng bài Quốc tế ca lời dịch thành thơ lục bát. Chất lượng bài vở cổ vũ đấu tranh của báo đã đúng hướng hơn. Tờ báo có ảnh hưởng không chỉ trong mỏ Mạo Khê mà còn rộng ra khắp vùng trong huyện Đông Triều và huyện Kinh Môn.
Trong cao trào Cách mạng 1930 - 1931, nhiều chi bộ Đảng Cộng sản được nối tiếp thành lập ở Cẩm Phả, Hòn Gai, Vàng Danh, Uông Bí .
Cuối tháng 4 năm 1930, Xứ ủy quyết định lập Đảng ủy mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả và Đảng ủy mỏ Uông Bí - Vàng Danh. Tháng 9 năm 1930, Xứ ủy quyết định tách Đảng ủy Hòn Gai - Cẩm Phả thành hai Đảng ủy: Đảng ủy mỏ Cẩm Phả - Cửa Ông và Đảng ủy mỏ Hòn Gai.
Thời điểm này, ở Mạo Khê có báo Than; Đảng ủy mỏ Cẩm Phả - Cửa Ông có báo Hầm Mỏ.
Sự ra đời 3 Đảng ủy mỏ đòi hỏi phải có một tổ chức Đảng cấp trên trực tiếp chỉ đạo. Đáp ứng yêu cầu khách quan ấy, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã đề xuất với cấp trên cơ cấu lại tổ chức đảng ở khu mỏ Quảng Ninh. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất (tháng 10 năm 1930) đã quyết định thành lập Đảng bộ Đặc khu mỏ (tương đương một Đảng bộ cấp tỉnh do Xứ ủy trực tiếp chỉ đạo) để lãnh đạo phong trào cách mạng toàn Khu mỏ.
Sau hội nghị Trung ương, Xứ ủy Bắc Kỳ đã triệu tập hội nghị, tiến hành thành lập Đặc khu ủy mỏ và chỉ định đồng chí Vũ Văn Hiếu làm Bí thư. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ được cử làm đại diện của Xứ ủy bên cạnh Đặc khu ủy mỏ để truyền đạt các chỉ thị của Xứ ủy và giúp đỡ Đặc khu ủy chỉ đạo phong trào. Theo chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Đặc khu ủy đã quyết định hợp nhất báo Hầm Mỏ với báo Than thành tờ báo Than, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ Đặc khu, một tờ báo Đảng địa phương cấp tỉnh. Báo Than giai đoạn này ra mỗi tháng hai số, mỗi số in tới vài trăm bản và được phát hành khắp Khu mỏ.
Rất tiếc là báo Than của Đảng bộ Đặc khu mỏ không tồn tại được lâu, vì từ đầu năm 1931, Đảng bộ Đặc khu bị địch khủng bố dữ dội. Các đồng chí trong Khu ủy lần lượt sa vào tay địch. Báo Than ngừng xuất bản nhưng ảnh hưởng của nó còn in sâu trong công nhân Vùng mỏ.
Báo Than thực sự là nguồn lửa cách mạng đã ba lần tỏa sáng. Ba lần báo Than gắn liền với các bước trưởng thành của Vùng mỏ kiên cường và thực sự báo Than xứng đáng góp một mốc son vào lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.
Báo Than gắn với sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng ta, trong thời gian đồng chí hoạt động ở Quảng Ninh, với vai trò đại diện Xứ ủy Bắc Kỳ.
Qua sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, càng khẳng định vai trò của báo chí trong tuyên truyền cách mạng. Sau báo Than, hàng loạt các tờ báo cách mạng, kháng chiến ở Khu mỏ - Quảng Ninh ra đời.
Việc hình thành Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, trên cơ sở hợp nhất Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ninh, Cổng Thông tin điện tử thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và Báo Hạ Long thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, là bước phát triển của hoạt động báo chí Quảng Ninh. Bước phát triển này có sức bật từ phát huy báo Than, với tinh thần chủ động, đột phá.
Khi nói tới truyền thống báo chí cách mạng, chúng ta đều biết tới vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với báo Thanh Niên. Với những người làm báo Quảng Ninh, cùng với đó, còn nhớ tới vai trò của đồng chí Nguyễn Văn Cừ với báo Than. Nhớ tới cùng tự hào, những người làm báo Quảng Ninh nguyện thực sự là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng.
Để phát huy tinh thần báo Than cùng tỏ lòng biết ơn với vị tụ của Đảng, tỉnh Quảng Ninh chúng ta cần nghĩ tới một giải báo chí mang tên Nguyễn Văn Cừ, có thể là giải báo chí về xây dựng Đảng, hoặc đổi tên “Giải báo chí Quảng Ninh” hằng năm thành “Giải báo chí Nguyễn Văn Cừ”./.