Thu hút và giữ chân thợ lò

Thứ sáu - 01/03/2024 15:18 699 0
Đặc thù của ngành than hiện nay, việc thu hút thợ lò đã khó, giữ chân họ để gắn bó lâu dài càng khó hơn. Tính trung bình mỗi năm, các đơn vị khai thác than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cần tuyển mới và đào tạo khoảng 4.000-4.500 chỉ tiêu nghề mỏ hầm lò nhằm bổ sung cho lượng công nhân nghỉ hưu, nghỉ việc.
Công nhân khai thác than tại lò chợ cơ giới hóa đồng bộ Công ty Than Hà Lầm (TKV).
Công nhân khai thác than tại lò chợ cơ giới hóa đồng bộ Công ty Than Hà Lầm (TKV).

Để tạo nguồn lâu dài cho nhân lực ngành mỏ, thời gian qua, các đơn vị thành viên của TKV đã triển khai nhiều giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, cải thiện điều kiện làm việc, tăng thu nhập và quan tâm đầu tư nhà ở cho công nhân, giúp họ có nơi ăn chốn ở, yên tâm làm việc và gắn bó với ngành than.

Cải thiện điều kiện làm việc

Chúng tôi gặp thợ lò Nguyễn Văn Nam (sinh năm 1992) khi anh vừa tan ca làm. Với dáng người cao ráo, đẹp trai và thư sinh, ít ai nghĩ Nam là thợ lò trẻ có thu nhập tới 500-600 triệu đồng/năm. Năm 2010, được bạn bè giới thiệu, chàng trai nghèo quê Nghệ An này đã lặn lội ra Quảng Ninh để đăng ký học nghề mỏ vì không mất học phí, lại được nuôi ăn ở. Hai năm sau ra trường, Nam được Công ty Than Thống Nhất tuyển dụng và làm việc ở đây từ bấy đến giờ. Hiện nay, anh là tổ trưởng Phân xưởng Đào lò 3 gồm 32 người, chuyên đào lò chuẩn bị diện sản xuất.

Năm 2019, Nam được Tỉnh đoàn Quảng Ninh tuyên dương là 1 trong 20 tài năng trẻ tiêu biểu, đồng thời cũng là chiến sĩ thi đua cấp Tập đoàn và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có nhiều sáng kiến được áp dụng trong sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí và tăng năng suất lao động. Từ thu nhập của nghề “ăn cơm trần gian, làm việc âm phủ”, anh đã đưa cả vợ con từ quê ra Quảng Ninh lập nghiệp, mua gần 100 m2 đất xây ngôi nhà 3 tầng khang trang. Không những vậy, Nam còn động viên anh trai mình “đầu quân” cho Than Thống Nhất, làm việc tại Phân xưởng Đào lò 1 và hai anh em đều là gương mặt tiêu biểu của công ty về năng suất lao động.

Hơn 10 năm làm việc ở Than Thống Nhất, anh Nam chứng kiến rất rõ quá trình đầu tư áp dụng công nghệ vào sản xuất, thay đổi điều kiện làm việc của công ty. Đơn cử, trước đây, lò chợ của công ty chống giữ bằng vì chống thủy lực đơn xà hộp, đào lò thủ công, còn hiện nay lò chợ đã ứng dụng hệ thống giá khung hiện đại, an toàn hơn rất nhiều, việc đào lò sử dụng các thiết bị cơ giới hóa như máy xúc, khoan, tời cào,… Nhờ vậy, thu nhập người lao động của công ty bình quân ở mức hơn 1 triệu đồng/công, nếu làm thêm ngày chủ nhật sẽ đạt 1,3-1,4 triệu đồng/công.

Vài năm gần đây, Than Thống Nhất lọt vào “câu lạc bộ 2 triệu” của TKV với sản lượng khai thác hằng năm đạt mức 2 triệu tấn than nguyên khai. Triển khai chủ trương “3 hóa” (cơ giới hóa, tin học hóa, tự động hóa) của TKV, tập thể lãnh đạo công ty đã quyết định đầu tư hệ thống monoray kết hợp đầu tàu diesel phục vụ sản xuất trong hầm lò. Ông Nguyễn Mạnh Toán, Giám đốc công ty cho biết: Đây là công trình trọng điểm của TKV, tổng mức đầu tư 27,4 tỷ đồng nhằm mục tiêu tăng năng lực sản xuất khu Lộ Trí. Ngoài ra, công ty còn đưa vào sử dụng trạm phát điện diesel, cấp điện dự phòng cho các thiết bị khi nguồn điện lưới bị cắt,… Các phân xưởng cũng tích hợp tính năng phần mềm ca lệnh sản xuất, giảm thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả trong quản lý, điều hành sản xuất.

Mỏ than Mạo Khê là mỏ “hầm lò già”, địa hình địa chất phức tạp, với gần 70 năm khai thác liên tục, nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt, phải xuống sâu, vào xa, cho nên thời gian gần đây, sản lượng khai thác hằng năm của công ty đạt khoảng 2,3 triệu tấn được nhiều người ví là kỳ tích. Đạt được kết quả trên, chiến lược hàng đầu của công ty là đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, triển khai cơ giới hóa, tự động hóa đồng bộ ở tất cả các khâu. Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Tuân cho biết, mỏ Mạo Khê được xếp vào diện “mỏ siêu hạng” về khí nổ mê-tan, luôn tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ, bục nước,… Do đặc thù này, công ty đã đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc tập trung hiện đại, nhằm giám sát và quản lý khí mỏ 24/7, phục vụ sản xuất hầm lò an toàn. Năm 2023, công ty có 10 công nhân đạt thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm, gần 200 người thu nhập từ 500 đến dưới 600 triệu đồng/năm, hơn 400 người thu nhập từ 400 đến dưới 500 triệu đồng/năm,…

Thu hút và giữ chân thợ lò
Thợ lò Nguyễn Văn Nam, gương mặt người lao động tiêu biểu của Công ty Than Thống Nhất (TKV) trong ca sản xuất.

“An cư” cho thợ mỏ

Hiện nay, TKV có 50 doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tổng số gần 80 nghìn công nhân, phần lớn là lao động ngoại tỉnh (hơn 51 nghìn người), do đó nhu cầu nhà ở để “an cư, lạc nghiệp” đang là vấn đề ngày càng bức thiết. Trên thực tế, tại Quảng Ninh, giá nhà đất khu vực đô thị rất cao, mua được nhà ở đối với lao động trẻ tuổi là giấc mơ khá xa vời. Từ năm 2000 đến nay, các đơn vị sản xuất than hầm lò của TKV đã nỗ lực đầu tư xây 26 chung cư tập thể cao tầng, bố trí chỗ ở cho gần 10 nghìn người. Tuy nhiên, theo nhận định của Chủ tịch Công đoàn TKV Lê Thanh Xuân, qua khảo sát, các căn hộ (4 người/phòng) của ngành than chưa thật sự là lựa chọn tối ưu về nhà ở cho công nhân, hàng nghìn thợ lò vẫn tự thuê, sống và sinh hoạt trong những khu nhà trọ tạm bợ, không bảo đảm. Đây là nguyên nhân khiến người lao động chưa thật sự yên tâm, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Theo định hướng mới của Hội đồng thành viên TKV, khu nhà lưu trú sẽ tăng tiện ích (1 người/căn hộ), tạo ưu thế thu hút thợ lò đăng ký, thuận tiện cho sinh hoạt, làm việc.

Đầu tháng 10/2023, Công đoàn TKV phối hợp với các đơn vị liên quan tư vấn cho người lao động ngành than mua nhà ở xã hội thuộc khu dân cư đồi Ngân hàng (thành phố Hạ Long). Sau buổi tư vấn, gần 100 công nhân đã nộp hồ sơ đăng ký mua nhà, giá trung bình từ 700 triệu đến 1,2 tỷ đồng/căn, diện tích 40-70 m².

Thời gian tới, Công đoàn TKV sẽ tiếp tục tổ chức nhiều chương trình tương tự tìm hiểu mua nhà ở xã hội, nhằm hiện thực hóa giấc mơ “an cư” cho người lao động ngành than. Từ nay đến năm 2025, TKV tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch để xây dựng 10 khu nhà ở tập thể, với diện tích hơn 5 ha, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 2.400 công nhân.

Khai trường mỏ hầm lò của Công ty Than Thống Nhất nằm lọt giữa trung tâm thành phố Cẩm Phả, mất hẳn lợi thế về địa lý thu hút người lao động các huyện miền đông tỉnh Quảng Ninh. Người lao động công ty sống rải rác tại các phường chung quanh khai trường, điều kiện sinh hoạt khá đắt đỏ. Công ty có khoảng 3.500 công nhân, theo rà soát, một nửa trong số này cần bố trí nhà ở tập thể nhưng 2 khu tập thể của đơn vị dành cho công nhân độc thân chỉ giải quyết được gần 700 người. Công ty đang xúc tiến hoàn thiện thủ tục xây thêm một khu nhà lưu trú nữa ở khu Cẩm Thành, ban đầu dự kiến quy mô 7 tầng, 68 căn hộ (272 người), tổng mức đầu tư 73 tỷ đồng. Công ty sẽ điều chỉnh khu lưu trú theo định hướng của TKV, 1 người/căn giúp thợ lò thoải mái trong sinh hoạt.

“Bằng nhiều giải pháp, trong năm 2023 vừa qua, Công ty Than Thống Nhất đã tuyển sinh được 470 người, tuyển dụng 417 người. Tuy vẫn còn hiện tượng thợ lò bỏ việc nhưng trong năm qua, số lượng thợ lò tuyển được đã tăng thêm 141 người, thợ lò tái tuyển 61 người, thợ cơ điện 20 người, tương ứng với một phân xưởng sản xuất. Đây là những công nhân có kỹ năng nghề, hiểu đặc thù nghề mỏ hầm lò. Sau thời gian làm việc ở các ngành nghề khác, những người này thấy nghề khai thác mỏ hầm lò không phải quá vất vả, nguy hiểm mà chế độ phúc lợi cũng như thu nhập cao hơn hẳn, có thể ổn định cuộc sống. Đây sẽ là những hạt nhân tuyên truyền để thợ lò trẻ tránh tâm lý chán việc, nhảy việc”, ông Nguyễn Mạnh Toán nhận định.

Chủ tịch Công đoàn TKV Lê Thanh Xuân cho biết, bằng một loạt giải pháp tổng thể như tăng tiền lương, thu nhập hằng tháng (phấn đấu định hướng 1.000 USD/người); cải thiện điều kiện làm việc, ứng dụng công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất; nâng cao chất lượng cuộc sống cho thợ mỏ,… các đơn vị thành viên của TKV đã dành nguồn lực lớn để cải thiện điều kiện làm việc, đi lại, vận chuyển cho thợ lò, nâng cao thời gian sản xuất hữu ích trong ca, giải phóng sức lao động cho công nhân, tạo điều kiện tối đa để người lao động nâng cao năng suất và tăng thu nhập.

Bên cạnh đó, Công đoàn TKV cũng phối hợp các đơn vị triển khai nhiều chế độ phúc lợi, tham quan, điều dưỡng,… hằng năm cho công nhân, xây nhà “Mái ấm công đoàn” hỗ trợ các gia đình khó khăn, hoặc bố trí nhận vợ con thợ lò không may bị tai nạn, thương tật,… vào làm việc. Quan tâm, chăm lo về vật chất và tinh thần cho người lao động được các đơn vị thực hiện không chỉ là trách nhiệm đơn thuần mà bằng tất cả tình cảm anh em đồng đội, thể hiện tinh thần thép “Kỷ luật và Đồng tâm” - nét văn hóa đẹp truyền thống của thợ mỏ, được trao truyền từ khi ra đời đến nay./.

QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây