Sẽ có hàng nghìn căn hộ cho công nhân, người có thu nhập thấp trong tương lai
Phóng viên: Thưa ông, được biết, dự kiến đến cuối năm nay, Quảng Ninh sẽ có khoảng gần 1.600 căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, xin ông chia sẻ thông tin về các dự án này?
Ông Đỗ Xuân Điệp: Để cụ thể hóa Nghị quyết các kỳ Đại hội, Chương trình hành động của Tỉnh ủy và chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND tỉnh phê duyệt các Đề án, Chương trình, Kế hoạch về nhà ở, trong đó có Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động ngành than, khu công nghiệp; nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng về làm việc tại Quảng Ninh; Kế hoạch triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” theo Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 3 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp được triển khai đầu tư xây dựng, cụ thể như sau:
Thứ nhất, dự án nhà ở xã hội phục vụ công nhân và chuyên gia Khu công nghiệp Đông Mai tại phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên, chủ đầu tư là Tổng Công ty Viglacera Công ty CP.
Sau hơn 1 năm kể từ ngày khởi công (24/3/2022), dự án đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, thi công xong hệ thống hạ tầng kỹ thuật (san nền, đường giao thông, thoát nước mưa, thoát nước thải, cấp nước, chiếu sáng, cây xanh), hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng 3/5 khối nhà chung cư và nhà dịch vụ, công cộng trong quý IV/2023 và dự kiến đến Quý III/2025 sẽ hoàn thành đầu tư đồng bộ các hạng mục còn lại của dự án.
Thứ hai là dự án khu nhà ở xã hội tại phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên phục vụ công nhân, người lao động của các doanh nghiệp trong KCN Sông Khoai, thị xã Quảng Yên do Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam làm chủ đầu tư. Công trình đã được khởi công vào tháng 5/2023, đang thi công đến tầng 7/7. Dự kiến trong năm 2023 hoàn thành toàn bộ công trình (412 căn) và đưa vào sử dụng.
Thứ ba là dự án Khu nhà ở xã hội tại khu dân cư đồi Ngân hàng, phường Hồng Hải và Cao Thắng, thành phố Hạ Long do Liên danh Công ty CP tư vấn đầu tư tài chính Toàn Cầu và Công ty cổ phần đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội làm chủ đầu tư. Dự án đã khởi công ngày 30/10/2022, đã thi công xong phần móng, đang thi công phần thân đến tầng 8. Dự kiến trong năm 2023 xong phần thô công trình nhà ở xã hội (790 căn).
Như vậy, trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh dự kiến sẽ có 3 dự án hoàn thành khoảng 1.600 căn nhà ở xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Phóng viên: Ngoài 1.600 căn hộ sắp hoàn thiện nói trên, Quảng Ninh còn đang thực hiện các dự án nhà ở xã hội nào, với quy mô ra sao, thưa ông?
Ông Đỗ Xuân Điệp: Ngoài 3 dự án ở xã hội đang triển khai đầu tư xây dựng như đã thông tin nêu trên, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 10 khu nhà ở xã hội, nhà ở công nhân các khu công nghiệp, công nhân ngành than đã có quỹ đất, quy hoạch chi tiết và đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, với tổng quy mô diện tích đất 36,3ha; 480.000m2 sàn; 6.200 căn hộ; tổng mức đầu tư 4.800 tỷ đồng. Cụ thể, các dự án bao gồm:
Khu Nhà ở xã hội tại thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà: Có quy mô sử dụng đất khoảng 12ha, với khoảng 1.000 căn hộ. Hiện nay, UBND huyện Hải Hà và Ban Quản lý Khu kinh tế đang triển khai thủ tục chấp thuận đầu tư.
Khu Nhà ở xã hội tại lô đất OXH-01 thuộc khu đô thị tại các phường Cao Thắng, Hà Khánh và Hà Lầm, thành phố Hạ Long: Quy mô sử dụng đất khoảng 1,7ha, đầu tư xây dựng 1 tòa chung cư 19 tầng với khoảng 950 căn hộ. Hiện nay, UBND thành phố Hạ Long đang phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư và các Sở ngành thẩm định chủ trương đầu tư.
4 dự án nhà ở công nhân ngành than (tổng quy mô khoảng 420 căn hộ):
(1) Khu tập thể công nhân (chung cư) tại phường Hà Lầm, thành phố Hạ Long - Công ty CP Than Hà Lầm;
(2) Khu nhà ở tập thể công nhân 5 tầng - Công ty than Hòn Gai - TKV tại phường Cao Xanh, thành phố Hạ Long;
(3) Nhà ở công nhân hầm lò tại khu 7 phường Hà Tu, thành phố Hạ Long;
(4) Khu tập thể công nhân tại phường Cẩm Thành, thành phố Cẩm Phả. Tập đoàn TKV đang thực hiện các thủ tục về chủ trương đầu tư.
Ngoài ra còn 4 khu đang nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết.
Phóng viên: Xin ông cho biết việc triển khai các gói vay vốn hỗ trợ nhà ở xã hội được triển khai như thế nào?
Ông Đỗ Xuân Điệp: Theo quy định của Luật Nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ thì các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Mức cho vay đối với trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng; trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay, tối đa không quá 500 triệu đồng. Lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội do Thủ tướng Chính phủ quyết định từng thời kỳ, cụ thể thời điểm hiện tại lãi suất vay vốn là 4,8%/năm.
Trong năm 2023, Sở Xây dựng đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Ninh tổ chức 1 lớp tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội nắm bắt nội dung cơ bản, cần thiết về xây dựng mới, sửa chữa nhà; mua, thuê nhà ở xã hội.
Theo số liệu báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Quảng Ninh, trong năm 2023 có 397 khách hàng được cho vay vốn với tổng số tiền cho vay 169,97 tỷ đồng; tổng số khách hàng dư nợ 1.703, tổng dư nợ cho vay 649,36 tỷ đồng (báo cáo số 234/BC-QUN1 ngày 12/9/2023 của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Ninh).
Về lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội: Quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn chồng chéo, chưa thống nhất với quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về đấu thầu, pháp luật về đất đai dẫn đến việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội còn phức tạp, kéo dài thời gian thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng dự án và làm chậm tiến độ triển khai dự án.
Đối với nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho công nhân, người lao động, thực hiện thí điểm nghiên cứu đầu tư trực tiếp vào một số dự án nhà ở thuộc khu thiết chế của công đoàn tại một số địa phương (có Quảng Ninh), có mong muốn tham gia làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho công nhân. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định cho phép tổ chức này được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ cho công nhân khu công nghiệp.
Về quyền và ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân: Luật Nhà ở 2014 quy định các dự án nhà ở xã hội phải dành tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng.
Trên thực tế, có nhiều dự án không cho thuê được phần diện tích này dẫn đến tình trạng các căn hộ để cho thuê này để không, lãng phí, trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn, làm giảm thu hút đầu tư và không khuyến khích chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội để cho thuê.
Các ưu đãi cho Chủ đầu tư như miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế, được dành 20% tổng diện tích đất ở (hoặc diện tích sàn xây dựng) để kinh doanh nhà ở thương mại (hoặc sàn kinh doanh thương mại), được vay vốn với lãi suất ưu đãi… là không thực chất vì chủ đầu tư không được hưởng mà là người dân được hưởng do theo quy định không được tính các khoản ưu đãi của Nhà nước vào giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến chưa thu hút, khuyến khích được chủ đầu tư.
Về giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội: Tại điểm b Khoản 2 Điều 64 Luật Nhà ở năm 2014 có quy định việc bán, cho thuê mua nhà ở xã hội hình thành trong tương lai: “b) Đã hoàn thành việc xây dựng xong phần móng của nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng và hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông, cấp, thoát nước, điện sinh hoạt, điện chiếu sáng công cộng của khu vực nhà ở được bán, cho thuê mua theo quy hoạch chi tiết xây dựng, hồ sơ thiết kế và tiến độ của dự án đã được phê duyệt; đã giải chấp đối với trường hợp chủ đầu tư có thế chấp nhà ở này, trừ trường hợp được người mua, thuê mua và bên nhận thế chấp đồng ý”.
Việc quy định trên sẽ khó thực hiện cho các dự án nhà ở xã hội vì phần hạ tầng kỹ thuật này thường sẽ được xây dựng sau khi hoàn thiện nhà chung cư; dẫn đến Chủ đầu tư không huy động được nguồn vốn từ việc bán, cho thuê mua nhà ở xã hội hình thành trong tương lai.
Về đối tượng và điều kiện thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội: Các đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội không phân biệt hình thức hỗ trợ đều phải bảo đảm đủ 3 điều kiện (chưa có nhà ở, đất ở; phải cư trú trên địa bàn tỉnh có nhà ở xã hội, thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân) và phải được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định về đối tượng, điều kiện… dẫn đến người dân và chính quyền phải thực hiện nhiều thủ tục, giấy tờ, khó khăn trong việc xác nhận các điều kiện.
Phóng viên: Trước những khó khăn, vướng mắc này, Quảng Ninh đã làm gì để tháo gỡ, từ đó từng bước hiện thực hóa giấc mơ an cư, lạc nghiệp cho công nhân và người có thu nhập thấp?
Ông Đỗ Xuân Điệp: Xác định được các khó khăn, vướng mắc đó, Sở Xây dựng và các ngành, địa phương đã tham mưu UBND tỉnh có nhiều giải pháp tháo gỡ, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các bất cập về chính sách pháp luật (quy hoạch, chính sách ưu đãi, đối tượng thụ hưởng…). Đến nay các nội dung kiến nghị của tỉnh Quảng Ninh đã được Bộ Xây dựng tổng hợp, đưa vào dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.
Thứ hai, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung chức năng xây dựng nhà ở cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam để đầu tư xây dựng nhà ở công nhân ngành than.
Thứ ba, Xây dựng Đề án, Kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, trong đó xác định rõ quỹ đất, danh mục dự án, lộ trình triển khai từng dự án cụ thể và công bố công khai để thu hút đầu tư. Các Sở ngành, địa phương tăng cường công tác tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án cụ thể để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
PV: Xin trân trọng cám ơn ông vì cuộc trao đổi cởi mở này!
QN
Ý kiến bạn đọc