Nhiều sáng kiến làm lợi cho công ty hàng chục tỷ đồng
Cao Xuân Thìn (chuyên viên phòng Kỹ thuật mỏ, Công ty Than Hòn Gai - TKV) trong bộ trang phục áo sơ mi, thắt cà vạt, nhìn tôi với ánh mắt ngại ngùng khác xa buổi gặp lần đầu cách đây vài hôm tại phân xưởng khai thác than với khuôn mặt lấm lem. “Mặc áo quần công nhân nó quen rồi anh ạ, giờ diện mấy bộ đồ này nó cứ vướng víu, ngượng nghịu thế nào ấy…”, Thìn nói.
Thìn là một trong 3 gương mặt tiêu biểu của TKV được nhận giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” lần thứ X, năm 2019 do T.Ư Đoàn tổ chức tại Quảng Ninh trong hai ngày 30 và 31/5. Từ nhỏ, Thìn vốn học giỏi môn sinh học nhưng lại quyết định lựa chọn thi và học ngành Xây dựng công trình ngầm, ĐH Mỏ địa chất Hà Nội. Bốn năm ở giảng đường ĐH, Thìn đã có rất nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu khoa học về sức bền vật liệu; các giải pháp, cải tiến kỹ thuật công trình ngầm… được các thầy cô và hội đồng khoa học trường đánh giá cao; giành được nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học cấp trường và toàn quốc.
Sau khi tốt nghiệp, Thìn được tuyển chọn về làm công nhân tại Xí nghiệp Than Thành Công, Công ty Than Hòn Gai. Được làm đúng chuyên ngành đào tạo, Thìn có cơ hội đem những kiến thức đã học ứng dụng vào thực tế. Với sức trẻ, Thìn không ngại khó, ngại khổ khi thường xuyên lăn lộn dưới công trường, đi thực tế ở các lò than; tìm hiểu địa chất, cấu trúc hệ thống đường lò…
Từ năm 2013 đến 2018, Thìn đã có 25 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty đem lại hiệu quả cao, góp phần tiết giảm chi phí sản xuất của công ty với giá trị làm lợi trên 24 tỷ đồng. “Em chưa ăn thua gì so với các đồng nghiệp khác đâu anh, còn phải phấn đấu nhiều”, dứt lời, Thìn chỉ tay về phía cuối hội trường giới thiệu: “Anh Duẩn mới là cao thủ, cả em Nam cũng đều là những người thợ có một không hai đấy anh”.
Phạm Đình Duẩn - Bí thư Chi đoàn, Tổ trưởng Tổ sản xuất Phân xưởng KT14 (Công ty Cổ phần Than Vàng Danh) có hàng loạt sáng kiến hợp lý hóa sản xuất được áp dụng vào hoạt động sản xuất của công ty, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị. Duẩn còn tích cực tham gia cùng các tiểu ban hỗ trợ sáng kiến của các đơn vị trong công ty trong quá trình hoàn thiện sáng kiến, giải pháp hợp lý.
Không chỉ là một tổ trưởng gương mẫu, một người thợ giỏi, Duẩn còn là một Bí thư Chi đoàn năng động, thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu kết nghĩa nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho đoàn viên tại đơn vị. Duẩn đã đứng ra tổ chức thành lập Đội Thanh niên xung kích tham gia kiểm tra các vị trí sản xuất định kỳ và kiểm tra tăng cường ca 2, ca 3 mang lại hiệu quả tích cực trong công tác đảm bảo an toàn con người và tài sản.
Thích làm người thợ lò
Mọi người thường hình dung về nghề thợ lò rất vất vả, nặng nhọc và cũng nhiều hiểm nguy, độc hại. Nhưng với Nguyễn Văn Nam, thợ lò phân xưởng Khai thác 12 (Công ty Than Thống Nhất - TKV) lại khác, Nam rất đam mê và luôn nỗ lực để trở thành người thợ lò giỏi.
Nguyễn Văn Nam sinh năm 1992, ở một miền quê nghèo xã Bình Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An). Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Nam chỉ học xong lớp 9 phải nghỉ học ở nhà làm ruộng giúp bố mẹ. Năm 2010 một cơ duyên đã đưa Nam đến với đất mỏ Quảng Ninh.
Từ những ngày gian khó đầu tiên, Nam đã cố gắng học hỏi, nắm được kỹ thuật khai thác than. Hiện Nam là một trong những thợ khai thác chủ chốt của phân xưởng. Làm việc chăm chỉ chịu khó, có trình độ kỹ thuật, có sức trẻ, năm 2015 mức lương của Nam luôn đứng đầu phân xưởng, gần 370 triệu đồng/năm. Nhiều năm Nam đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua của tập đoàn. Nam còn là một trong 3 thợ lò tiêu biểu được công ty bầu chọn tuyên dương thợ mỏ xuất sắc tiêu biểu năm 2016 của TKV.
“Làm thợ lò hay mà anh. Giờ cho em làm cán bộ vẫn không thích bằng làm thợ lò. Em còn trẻ khỏe phải tranh thủ làm thợ lò kiếm tiền nuôi vợ con và cho những dự định trong tương lai nữa”, Nam chia sẻ.
NQ (ST)
Nguồn tin: tienphong.vn
Ý kiến bạn đọc