Tháng 7/1967, ngành Than và tỉnh Quảng Ninh đã huy động hơn 2.000 thanh niên ưu tú để chi viện cho chiến trường miền Nam dưới tên gọi là Binh đoàn Than. Binh đoàn Than là tên gọi chung cho 3 đơn vị: Tiểu đoàn 385, Tiểu đoàn 386, Tiểu đoàn 9. Binh đoàn Than thực tế không phải là một phiên hiệu chính thức trong Quân đội, nhưng đã đi vào lịch sử như một huyền thoại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để lại niềm tự hào cho cả thế hệ thanh niên Vùng mỏ.
Chiến sĩ Binh đoàn Than hành quân đi bộ ròng rã gần hết mùa xuân 1968 thì vào đến Quảng Trị, kịp tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Chiến sĩ Binh đoàn Than đánh trận đầu tiên ngay đợt tiến công thứ nhất đã giành chiến thắng. Trong suốt 3 đợt tiến công của chiến dịch này, chiến sĩ Binh đoàn Than đã đánh chiếm các điểm cao, cắt đường số 9, tạo điều kiện cho các đơn vị khác tiến lên làm chủ nhiều vị trí quan trọng, đánh chiếm sân bay Tà Cơn, Quảng Trị trong chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh.
Sau Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968, vì là quân công nghiệp vốn có tính kỷ luật cao, nên chiến sĩ Binh đoàn Than được chia ra bổ sung cho nhiều đơn vị quân giải phóng suốt từ miền Trung cho đến đồng bằng Nam Bộ. Những người lính thợ đã trở thành nòng cốt trong các đơn vị chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam. Họ tham gia nhiều trận đánh lớn, có mặt ở những nơi ác liệt nhất của cuộc chiến, khiến cho cái tên chiến sĩ Binh đoàn Than ngày càng làm cho Mỹ - Ngụy phải khiếp sợ. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến sĩ Binh đoàn Than đã lập nhiều chiến công. Có người hy sinh, có người góp mặt trong đoàn quân tiến về Sài Gòn trưa 30/4/1975.
CCB Bùi Duy Thinh (hiện ở khu 9, phường Cao Thắng, TP Hạ Long), trước khi nhập ngũ là công nhân mỏ than Cao Thắng, là người của Binh đoàn Than có mặt ở Sài Gòn trưa 30/4/1975. Với ông Thinh và đồng đội, những mùa xuân ở chiến trường để lại dấu ấn không thể nào quên trong tâm trí. Đó là mùa xuân của những chiến công, mùa xuân tiến tới ca khúc khải hoàn. Mùa xuân 1975, nhiều chiến sĩ Binh đoàn Than tham gia các mũi tiến công đánh vào Buôn Mê Thuột, sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu Ngụy, Dinh Độc Lập, giải phóng miền Nam. Riêng đơn vị của ông Thinh chiến đấu dọc Tây Nguyên liên tục, đến năm 1975 thì chiến đấu ở Buôn Mê Thuột, rồi đánh xuống Nha Trang, tiến vào Sài Gòn.
CCB Trần Đình Diễn (hiện ở khu 2, phường Bãi Cháy, TP Hạ Long) kể: Trên đường tiến công, gạo thiếu, muối thiếu, quần áo không đủ mặc, lại thêm sốt rét rừng hành hạ, nhưng chiến sĩ Binh đoàn Than chiến đấu vô cùng anh dũng. Các chiến sĩ vẫn động viên nhau bám đất luồn sâu, đánh kiểu nở hoa trong lòng địch, bao vây tiêu diệt nhiều cứ điểm quan trọng ở Tây Nguyên. Mỗi lần xuất kích là một lần lao vào cuộc chiến ác liệt, nên nhiều trận anh em đã được làm lễ truy điệu sống trước lúc lên đường. Ông Diễn và đồng đội đã tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ ở Ngọc Hồi, Sa Thầy, Kon Tum… dọc Tây Nguyên, tham gia đánh địch lấn chiếm các vùng giải phóng của ta sau Hiệp định Paris 1973, trước khi tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Năm 1975 ông Thinh là Trợ lý Trưởng Tiểu ban quân lực của Trung đoàn 28, tham gia giải phóng Buôn Mê Thuột. Ông Thinh nhớ lại: "Vì bị thương nên tháng Giêng năm 1975, tôi được chuyển sang viết truyền thống lịch sử. Tuy nhiên, tin chiến thắng dồn dập đưa về từ các chiến trường đã khiến tôi khoác súng tìm về đơn vị và được nhận nhiệm vụ mới, làm Trưởng Ban Quân lực Trung đoàn. Không khí chuẩn bị Tổng tấn công đánh vào sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sục sôi lắm".
Ngày 10/3/1975 đơn vị của ông vượt qua đèo Phượng Hoàng đánh xuống, giải phóng Nha Trang, tiến quân thần tốc giải phóng các tỉnh Nam Trung Bộ để tiến vào Sài Gòn. "Sáng 29/4, đội hình chúng tôi thọc sâu hướng Tây Bắc đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Xe qua được cầu thứ nhất, đến cầu thứ hai thì… cầu sập. Một trận đánh nảy lửa trên đường phố Sài Gòn diễn ra, đồng đội tôi có người hy sinh, có người bị thương, máu loang đầy những tấm áo xanh. Chúng tôi vô cùng xúc động khi người dân Sài Gòn không quản hiểm nguy băng bó vết thương cho quân giải phóng" - Ông Thinh kể. Điều đó khiến ông và đồng đội càng thêm thấm thía về tình quân dân - cá nước. Đúng 6h30 ngày 30/4/1975, đơn vị của ông Thinh đã có mặt ở ngã tư Bảy Hiền Sài Gòn, tiến công rồi đánh chiếm Trường hạ sĩ quan Ngụy, đánh chiếm trụ sở Bộ Tổng tham mưu Ngụy. Ông Thinh có mặt ở trụ sở Bộ Tổng tham mưu Ngụy quân chứng kiến giờ phút lịch sử Sài Gòn được giải phóng.
Ông Thinh kể: "Lúc đó tôi vui đến trào nước mắt khi mình đã vượt qua một chặng đường gian khổ, chiến đấu vì độc lập của Tổ quốc, lại nhớ thương những đồng đội nằm lại chiến trường không thể chứng kiến thời khắc thống nhất". Hiện nay, theo thống kê chưa đầy đủ, Binh đoàn Than có trên 1.000 liệt sĩ. Đặc biệt, có người ngã xuống ngay trên đường tiến công vào cửa ngõ Sài Gòn.
CCB Bùi Duy Thinh, Trần Đình Diễn tự an ủi mình rằng, có lẽ niềm vui chung của ngày Bắc Nam sum họp thì ở dưới suối vàng đồng đội cũng cảm nhận được. Giờ đây, tận hưởng hòa bình, ông Thinh, ông Diễn và những người lính Binh đoàn Than lại bùi ngùi nhớ về những đồng đội đã hy sinh. Họ còn sống mãi trong ký ức về những mùa xuân khói lửa./.
QN
Ý kiến bạn đọc