Khác biệt giữa lương cơ sở với lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2023

Thứ tư - 14/06/2023 15:23 23.624 0
Phân biệt giữa lương cơ sở với lương tối thiểu vùng
Khác biệt giữa lương cơ sở với lương tối thiểu vùng từ ngày 01/7/2023

Tiêu chí

Lương cơ sở

Lương tối thiểu vùng

Cơ sở pháp lý

   Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP (có hiệu lực kể từ ngày 01/07/2023)

   Điều 91 Bộ luật Lao động 2019, Nghị định 38/2022/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 01/07/2022) và các văn bản pháp luật khác có liên quan lương tối thiểu vùng.

Khái niệm

   Là mức lương cơ sở dùng làm căn cứ:
   - Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng bên dưới.
   + Tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật.
   + Tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

   Là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Đối tượng áp dụng

   - Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 52/2019/QH14).
   - Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 52/2019/QH14).
   - Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 52/2019/QH14).
   - Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định 111/2022/NĐ-CP thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP.
   - Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định 45/2010/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 33/2012/NĐ-CP).
   - Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.
   - Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.
   - Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
   - Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.

   - Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động 2019.
   - Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, bao gồm:
   + Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.
   + Cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.
   - Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP.
 

Mức lương

   - Hiện nay, mức lương cơ sở được áp dụng là 1.490.000 đồng/tháng (Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP).

   - Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng (Căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP).

   Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng theo tháng quy định như sau:
   + Vùng I: 4.680.000 đồng/tháng.
   + Vùng II: 4.160.000 đồng/tháng.
   + Vùng III: 3.640.000 đồng/tháng.
   + Vùng IV: 3.250.000 đồng/tháng.

   Theo quy định tại Điều 3 Nghị định 38/2022/NĐ-CP, mức lương tối thiểu vùng theo giờ quy định như sau:
   + Vùng I: 22.500 đồng/giờ;
   + Vùng II: 20.000 đồng/giờ;
   + Vùng III: 17.500 đồng/giờ;
   + Vùng IV: 15.600 đồng/giờ.


      Quy định về áp dụng mức lương tối thiểu: mức lương tối thiểu được áp dụng theo quy định tại Điều 4 Nghị định 38/2022/NĐ-CP như sau:

      Mức lương tối thiểu tháng

      Mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

      Mức lương tối thiểu giờ

      Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

      Mức lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán:

      Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ.

      Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động lựa chọn theo quy định của pháp luật lao động như sau:

      Mức lương quy đổi theo tháng bằng mức lương theo tuần nhân với 52 tuần chia cho 12 tháng; hoặc mức lương theo ngày nhân với số ngày làm việc bình thường trong tháng; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán thực hiện trong thời giờ làm việc bình thường trong tháng.

      Mức lương quy đổi theo giờ bằng mức lương theo tuần, theo ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong tuần, trong ngày; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán chia cho số giờ làm việc trong thời giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ khoán./.

Vũ Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây