Kể chuyện tiếp quản Vùng mỏ

Thứ năm - 25/04/2024 12:03 619 0
Dù tuổi đã cao, nhưng ký ức về những ngày tiếp quản Vùng mỏ vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thung, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 244.
CCB Nguyễn Ngọc Thung kể cho phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh chuyện tiếp quản khu mỏ.
CCB Nguyễn Ngọc Thung kể cho phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh chuyện tiếp quản khu mỏ.

CCB Nguyễn Ngọc Thung (SN 1933), hiện có 75 năm tuổi Đảng, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 244 tiếp quản Vùng mỏ, nguyên Giám đốc Đài PTTH Quảng Ninh. Vào bộ đội, từ vị trí thư ký chính trị đại đội mà không qua chính trị viên trung đội, ông Thung được thăng cấp thẳng lên trung đội phó.

Năm 1953 ông Thung vào bộ đội, là chiến sĩ của Tỉnh Đội Quảng Yên. Đến năm 1954 hòa bình lập lại, một buổi sáng đơn vị của ông đang đóng quân ở Chí Linh (Hải Dương) thì nghe tin cấp trên lệnh xuống đúng 7 giờ sáng phải ngừng bắn. Quân đội mỗi bên phải lùi lại ít nhất 5km. Đơn vị của ông Thung nhận lệnh di chuyển về Sơn Động (Bắc Giang) để học tập nghiệp vụ, được lệnh chuẩn bị về Hòn Gai. Ông Thung và đồng đội phải hành quân đường vòng qua Đình Lập (Lạng Sơn) về Tiên Yên. Đến Tiên Yên, ông Thung và đồng đội được lệnh tiếp quản, bảo vệ cảng Vạn Hoa và chuẩn bị vào tiếp quản Hòn Gai. 

Trong những ngày này, đơn vị của ông Thung được chuyển sang Khu đội Hồng Quảng để chuẩn bị thành lập Trung đoàn 244 vào tiếp quản Hòn Gai. Trung đoàn 244 là một trong 5 trung đoàn (cùng với 600, 254, 53, 94) thuộc Sư đoàn bộ binh 350, được Bộ Quốc phòng quyết định thành lập. Đây là những đơn vị tập trung từ các chiến trường, địa phương trong các liên khu phía Bắc về làm nhiệm vụ tiếp quản và bảo vệ vùng mới giải phóng, gồm những thành phố lớn, khu công nghiệp...

x2
Chiến sĩ Nguyễn Ngọc Thung năm 1953 khi vừa nhập ngũ vào Tỉnh đội Quảng Yên.

Vào đêm 19, rạng sáng 20/4/1955, ông Thung cùng đồng đội hành quân vượt Mông Dương tiến về trung tâm TX Cẩm Phả. Đơn vị đã tiến vào tiếp quản Cửa Ông, Cọc Sáu, Đèo Nai, rồi cơ động sang Quang Hanh. Đêm 21/4, đơn vị cơ động tiến sát vào vùng Hà Ráng (thuộc phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả ngày nay). Đêm hôm đó, từ trên đỉnh núi nhìn TX Cẩm Phả thấy đèn điện sáng choang, cả đơn vị không ai chợp mắt được vì vừa mừng, vừa lo. Mừng là từ mai nơi đây sẽ được giải phóng. Lo là trước đó giặc đã thành lập hành lang Thanh Phán phản động và đẩy mạnh tuyên truyền với khẩu hiệu “Việt Minh ở trong rừng tóc dài, răng đen, ăn thịt người”, nên khi vào tiếp quản, nếu không cẩn trọng thì diễn biến sẽ khó lường.

Sau khi tiếp quản bốt điện Quang Hanh, đơn vị của ông Thung tiếp tục hành quân qua Hà Tu để về phía trung tâm TX Hòn Gai. Do âm mưu của thực dân Pháp, nên trong những ngày này bè lũ tay sai ra sức phá hoại máy móc, cưỡng bức người dân di cư vào Nam và tổ chức tuyên truyền nói xấu cán bộ Việt Minh. Tuy nhiên nhân dân vẫn không bị lung lạc ý chí, tuyệt đối ủng hộ bộ đội về tiếp quản. 

Trong khi Trung đoàn 244 là đơn vị tập trung từ các chiến trường phía Bắc của ông Thung và đồng đội về làm nhiệm vụ tiếp quản và bảo vệ vùng mới giải phóng, thì Trung đoàn 238 tiếp tục vào tiếp quản Cẩm Phả, Ủy ban Quân quản và các lực lượng bộ đội khác từ các hướng về tiếp quản Hòn Gai.

Những ngày tiếp quản ở Vùng mỏ diễn ra như một thước phim quay chậm còn in trong tâm trí CCB Nguyễn Ngọc Thung đến bây giờ. Ông kể: "Chúng tôi hành quân về Hòn Gai, nhìn đằng trước không một bóng người, trên đường vào không gặp dân. Đơn vị chúng tôi đóng ở Cọc 5. Đại đội lập một đội danh dự để tống tiễn quân Pháp xuống tàu há mồm ở bến phà. Mình đi đến đâu, phía trước mặt gần như không có ai, nhưng sau lưng, dân ùa ra với cờ đỏ sao vàng hô vang ủng hộ Việt Minh. Khi con tàu há mồm đi rồi thì tàu, thuyền trên bến lên cờ đỏ hết, không khí vui lắm. Cờ và hoa đỏ rực một vùng biển, nước mênh mông. Lần đầu tiên chúng tôi nghe tiếng loa phát thanh, những bài hát. Ai nấy đều sung sướng lắm. Tiếng nói chen lẫn tiếng cười, tiếng hát rộn ràng. Cuộc đời cảm thấy hạnh phúc vô cùng".

x3
Cuộc mít tinh mừng Vùng mỏ được tiếp quản tổ chức tại Hòn Gai ngày 1/5/1955.

Vùng mỏ được quân và dân ta tiếp quản, người dân được làm chủ cuộc đời và vùng đất quê hương. Niềm vui đến như vỡ òa, tiếp thêm sức mạnh để người dân Vùng mỏ băng qua những năm tháng cơ cực sau ngày giải phóng, bắt tay ngay vào nhiệm vụ cấp thiết là bảo vệ máy móc, không cho địch phá hoại, không cho mang đi, khôi phục sản xuất, làm nên kỳ tích khi nhanh chóng khôi phục hệ thống đường trục sản xuất than.

Tuy làm việc trong điều kiện thiết bị vật tư thiếu thốn, toàn tự cấp tự túc, hậu cần khó khăn chưa đủ đáp ứng, nhưng tinh thần của công nhân, những người ở trong tâm thế làm chủ cuộc đời, thì đã hăng hái vô cùng. Công nhân mỏ đã lao động “bằng năm, bằng mười” để xây dựng Vùng than, góp sức cùng cả miền Bắc chi viện cho miền Nam đánh Mỹ. 

x4
Xe của Ủy ban Quân quản chỉ huy các lực lượng của ta tiến vào tiếp quản Hòn Gai ngày 25/4/1955.

Năm 1960 Trung đoàn 244 hoàn thành nhiệm vụ, giải tán, ông Thung chuyển ngành vào công tác tại Ban Tuyên giáo Khu uỷ Hồng Quảng, rồi làm Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đông Triều, Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh, Giám đốc Đài PTTH tỉnh từ năm 1989 cho đến khi nghỉ hưu năm 1994. Ở vị trí công tác nào, ông cũng không nề hà khó khăn, quyết đem hết tài năng sức lực ra phục vụ Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh.

Ông Thung và đồng đội lấy làm vinh dự và hạnh phúc vì được hòa mình vào những mốc son vĩ đại của lịch sử đất nước, của Vùng mỏ. Đến nay, nhìn lại tất cả những mốc son đã qua, bản thân ông cũng không tưởng tượng được. 69 năm sau ngày tiếp quản, Vùng mỏ đã có rất nhiều đổi thay, nhưng những hồi ức đẹp của CCB Nguyễn Ngọc Thung và đồng đội nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay viết tiếp những bản hùng ca trên Vùng than thân yêu./.

QN

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây