Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 86 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực thuộc các đơn vị ngành than, sản xuất xi măng, khai thác đá, cát, sét, quặng pyrophilit. Trong đó, 79 giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 67 giấy phép thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh.
Trước hoạt động khai thác khoáng sản nhiều, phân bổ rộng tại hầu hết các khu vực trên địa bàn tỉnh, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, nhất là tại khu vực khu dân cư, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của tỉnh trên cơ sở cụ thể hóa các nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương làm công cụ để quản lý. Đồng thời với đó, dành trên 77 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước và huy động xã hội hóa trên 100 tỷ đồng (doanh nghiệp ngành than, xi măng, nhiệt điện) đầu tư hoàn thiện, vận hành hiệu quả 148 trạm quan trắc môi trường tự động được đặt tại những khu vực, địa bàn, đơn vị có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
Ông Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Nhìn chung, các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã cơ bản thực hiện nghiêm các quy định của giấy phép khai thác khoáng sản và quy định của pháp luật liên quan, nhất là trong công tác bảo vệ môi trường, hoàn nguyên khu vực đã hết thời hạn khai thác. Các hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường; đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường được đơn vị và ngành chức năng xem xét thẩm định nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, đúng thời hạn quy định.
Ngành than, một trong những ngành công nghiệp chủ lực của Quảng Ninh trong nhiều năm qua đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cải thiện toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ bảo vệ môi trường trong khai thác, sản xuất, tiêu thụ than. Ngoài việc đảm bảo các hồ sơ bảo vệ môi trường, ký quỹ môi trường, các đơn vị thuộc ngành than còn đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, bể lắng, công nghệ xử lý nước thải mỏ, hệ thống phun sương dập bụi tự động tại các khai trường sản xuất than, trạm rửa xe, đặc biệt là đổi mới dây chuyền công nghệ trong khai thác than, giảm tải lượng phát thải ra môi trường và nâng cao sản lượng khai thác.
Theo lãnh đạo TKV, đến nay, các đơn vị trực thuộc đã đầu tư xây dựng được 45 trạm xử lý nước thải hầm lò và lộ thiên, trong đó có các hệ thống xử lý nước thải mỏ lộ thiên quy mô lớn, như: Trạm xử lý nước thải Cọc 6, Núi Béo, góp phần nâng tổng công suất xử lý nước thải mỏ đạt 100 triệu m3/năm, đáp ứng kịp thời nhu cầu xử lý nước thải của toàn ngành than thải ra môi trường đến thời điểm hiện tại.
Ngành than cũng đã thực hiện thay đổi công nghệ đổ thải tại các bãi thải. Theo đó, thiết kế các bãi thải được phê duyệt phải đáp ứng yêu cầu phân chia chiều cao tầng thải thành các phân tầng, có đe chắn chân bãi thải để bảo vệ các khu dân cư, các công trình hạ tầng xung quanh chân bãi thải. Đối với khu vực đã hết thời hạn khai thác, các đơn vị ngành than đã nghiêm túc triển khai công tác đóng cửa mỏ và tiến hành hoàn nguyên môi trường theo đúng đề án bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đối với hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, các đơn vị đã thực hiện việc lắp đặt hệ thống phun nước dập bụi tại máng cấp liệu, hàm kẹp, nghiền côn, các đầu băng tải và xung quanh khu vực bãi chứa thành phẩm, đầu tư lắp đặt nhà khung kín tại 2 bộ phận sàng, nghiền. Các đơn vị khai thác cát, đá, sét do khối lượng nước thải ít, chủ yếu là nước rửa trôi bề mặt phát sinh vào mùa mưa, do vậy, các đơn vị đã đầu tư hệ thống rãnh thu gom, hố lắng để thực hiện thu gom nước rửa trôi bề mặt, để lắng sau đó bơm nước trở lại tái sử dụng vào việc tưới đường, làm ẩm bề mặt sản phẩm để giảm thiểu bụi phát tán ra môi trường xung quanh, đồng thời tiết kiệm nguồn nước đầu vào.
Trước định hướng phát triển của tỉnh là sản xuất sạch, an toàn, hiệu quả, không gây xung đột đối với các ngành kinh tế khác, hiện Quảng Ninh đang tăng cường kiểm soát đối với hoạt động khai thác khoáng sản, có lộ trình đóng dần các mỏ khai thác than lộ thiên, các nhà máy sản xuất gạch ngói, xi măng gần khu đô thị của tỉnh. Đặc biệt sẽ xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong bảo vệ môi trường, nhất là đối với những trường hợp cố tình gây ô nhiễm và vi phạm nhiều lần nhưng không có biện pháp khắc phục hiệu quả./.
NQ (ST)
Nguồn tin: Theo Mạnh Trường (baoquangninh.com.vn)
Ý kiến bạn đọc