Bác Hồ với khát vọng trí thức hóa thợ mỏ

Thứ bảy - 31/08/2019 11:20 1.385 0
Cùng với bản Di chúc để lại cho toàn dân, Bác Hồ còn để lại cho công nhân, cán bộ ngành than và nhân dân Quảng Ninh một di huấn riêng - đó là văn bản bài nói chuyện thân tình, sâu sắc của Người ngày 15/11/1968 với mong muốn “đẩy mạnh ngành than trở thành một ngành gương mẫu và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”.
Bác Hồ thăm mỏ than Đèo Nai (năm 1959)
Bác Hồ thăm mỏ than Đèo Nai (năm 1959)

      Quyết tâm khôi phục sản xuất than

      Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt coi trọng giới trí thức, thu hút nhân tài để tạo ra sức mạnh mới của cả dân tộc nhanh chóng “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Đông đảo nhân sĩ, trí thức bao gồm cả nhiều Việt kiều sẵn sàng chấp nhận mọi thiếu thốn, khó khăn để cùng khối công - nông - binh, góp sức xây dựng đất nước.

      Sau Ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954, Bác Hồ đã trực tiếp chỉ đạo khôi phục các nhà máy điện, khôi phục hệ thống giao thông và cung ứng than từ Mạo Khê (Quảng Ninh) và Thái Nguyên. Bác yêu cầu được nghe báo cáo đầy đủ về tình hình vùng mỏ và Cảng Hải Phòng đang ở trong khu vực tập kết của người Pháp, sau 300 ngày ta mới được tiếp quản theo Hiệp định Giơnevơ. Bác đặt tên mới cho vùng mỏ là Khu mỏ Hồng Quảng, chọn ông Trịnh Nguyên từng là đại đội trưởng Đại đội Hồ Chí Minh của thợ mỏ từ tháng 12/1946 làm Chủ tịch Ủy ban kiêm lãnh đạo ngành than, chuẩn bị lực lượng giải phóng khu mỏ và khôi phục dây chuyền sản xuất.

      Bác nói với ông Trịnh Nguyên: Đầu năm 1947, Bác nhận được báo cáo của tướng Nguyễn Bình từ Đệ Tứ chiến khu (chiến khu Đông Triều) về chiến thắng đầu tiên của Đại đội Hồ Chí Minh của thợ mỏ tiêu diệt đồn Hà Lầm đêm 25/12/1946, Bác rất vui và không trách các chú tự tiện đặt tên mà không xin phép vì Bác biết thợ mỏ yêu quý Bác, tin tưởng Bác nên mới mượn vía Bác ra oai với giặc. Đây là đơn vị duy nhất mang tên Bác, chú hiểu chứ !

      Ông Trịnh Nguyên lễ phép: Thưa Bác, toàn dân đều gọi chúng cháu là bộ đội Cụ Hồ, lính Cụ Hồ đấy ạ!

      Bác cười: Chú nghĩ khéo! Bác giao trọng trách cho chú vì nhiều người nói chú thông minh, sáng tạo, sống giản dị, chân tình, biết lắng nghe mọi người từ việc lớn đến việc nhỏ. Chắc chắn người Pháp sẽ tháo dỡ mang đi nhiều thiết bị và phá hoại dây chuyền sản xuất than, các chú phải ra sức vận động công nhân và nhân dân đấu tranh giữ lại cho bằng được những thiết bị khai thác, vận chuyển, sàng tuyển, bốc rót...đặc biệt là những máy xúc, ôtô vận tải lớn do Mỹ sản xuất. Cần vận động những nhân viên làm việc cho người Pháp ở lại, nhất là những người theo đạo Thiên Chúa không di cư vào Nam, bảo đảm với họ vẫn được chính quyền mới trọng dụng. Cần tạo nên sức mạnh đoàn kết đồng tâm sáng tạo của công nhân và toàn dân, đồng thời thuyết phục những kỹ sư, viên chức Pháp tiến bộ ủng hộ chúng ta. Bác tin họ cũng là những người biết điều. Các chú phải thường xuyên báo cáo cho Bác mọi diễn biến của khu mỏ...

      Nhờ thực hiện nghiêm túc những chỉ thị của Bác Hồ, công nhân các mỏ than đã kiên trì đấu tranh không cho chủ mỏ Pháp tháo dỡ các thiết bị khai thác cơ khí, phải để lại nguyên vẹn chiếc máy xúc Bisuris A1/7 cùng đội xe Eclis hiện đại nhất của Mỹ thập niên 1950 cùng nhiều máy xúc, máy khoan khác.

      Ngày 25/4/1955, những chiếc tàu há mồm chở những người Pháp cuối cùng rời khỏi bến Hòn Gai, bộ đội ta tiến vào tiếp quản khu mỏ giữa tiếng hò reo vang trời của hàng vạn thợ mỏ. Tuy nhiên, hệ thống vận chuyển đường trục, tàu điện, nhà sàng, bốc rót và hệ thống điện bị phá hủy khá nặng nề. Bác chấp nhận cho phép đàm phán thuê các kỹ sư Pháp giúp khôi phục. Họ nhận lời với thời hạn hai năm. Bác lắc đầu: Hai năm là thời hạn tổng tuyển cử thống nhất nước nhà theo Hiệp định Giơnevơ, sao họ khéo nghĩ cách kiềm chế nước ta vậy nhỉ? Bác vỗ vai ông Trịnh Nguyên: Chú nghĩ sao, hai tháng có khôi phục sản xuất được không? Ông Trịnh Nguyên đáp ngay: Chúng cháu sẽ cố gắng làm bằng được ạ! Bác cười: Chú hứa thì Bác tin. Bác cho chú toàn quyền quyết định mọi việc, cần gì Chính phủ đáp ứng ngay.

      Trước hết, Bộ Quốc phòng và TP. Hà Nội sẽ cử về khu mỏ nhiều sĩ quan, công nhân cơ khí, lái xe giàu kinh nghiệm đã được thử thách trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Bác đã giao cho Bộ Văn Hóa lựa chọn những văn nghệ sĩ, nhà báo nổi tiếng cùng về làm than với thợ mỏ, sáng tác và đào tạo nhân tài cho khu mỏ. Bác nhắc chú cần động viên khích lệ những nhân viên và thợ bậc cao do Pháp đào tạo, sử dụng họ đúng việc, bình đẳng, công bằng với gia đình họ, không để họ mặc cảm, suy tư mà sinh ra tiêu cực là lãng phí người tài, đào tạo bao giờ cho đủ.

      Đúng như chỉ đạo của Bác Hồ, ngày 2/9/1955, chuyến than đầu tiên của Khu mỏ Hồng Quảng đã về đến Nhà máy điện Yên Phụ Hà Nội và Nhà máy xi măng Hải Phòng. Bác điện khen cán bộ, công nhân, quân dân khu mỏ và hứa sẽ về thăm Hòn Gai - Cẩm Phả khi đạt và vượt được sản lượng cao nhất của tư bản Pháp ở Việt Nam.

      Trí thức hóa công nhân

      Sau hơn 3 năm nỗ lực thi đua lao động sáng tạo, ngành than đã vượt qua sản lượng một triệu tấn than mà người Pháp đạt được vào năm 1939. Ngày 31/3/1959, Bác Hồ đã về thăm mỏ than Đèo Nai. Bác nhanh nhẹn đi bộ dọc các tầng than, thăm hỏi từng người. Bác say sưa ngắm nhìn chiếc máy xúc A1/7 của Mỹ đang vung chiếc gầu xúc dung tích 4,6 m3, nhẹ nhàng đổ lên thùng xe Eclis 28 tấn. Bác khen ngợi công nhân, cán bộ than Đèo Nai đã kiên trì, dũng cảm, mưu lược giữ lại được nhiều thiết bị quý, khôi phục hệ thống đường trục chở than rất nhanh. Các cô, các chú đã thực sự trở thành chủ nhân của một mỏ than hiện đại, cần phải ra sức học tập, tự nâng cao tri thức, thành thục quy trình mới điều khiển tốt thiết bị hiện đại. Chính phủ đã quyết định mở Trường Trung cấp Kỹ thuật mỏ tại Hòn Gai, cùng với việc tuyển sinh cả nước, trường sẽ ưu tiên đào tạo thợ mỏ xuất sắc.

      Đứng trên đỉnh Đèo Nai, Bác Hồ lấy khăn vắt vai lau mồ hôi, ngắm thị xã Cẩm Phả uốn quanh vịnh Bái Tử Long kỳ vĩ, thơ mộng. Bác suy nghĩ điều gì đó? Sau đó, khi làm việc với lãnh đạo khu ủy và ngành than, Bác mới chậm rãi nói: Tư bản Pháp sang đây vơ vét tài nguyên, bóc lột tàn bạo, vậy mà vẫn biết chăm lo phần hồn, xây nhà thờ Thiên Chúa giáo khắp nơi, cả trên núi mỏ. Phải công nhận nhà thờ nào cũng cao đẹp, khang trang. Chúng ta không lo phần hồn cho bất cứ ai, nhưng chúng ta phải đặc biệt quan tâm cải thiện đời sống vật chất, văn hóa cho thợ mỏ và mọi ngành, mọi người ở khu mỏ. Cần có nhiều trường học, thư viện, bệnh viện, cung văn hóa, nhà văn hóa, đầy đủ tiện nghi; phải lo đủ nhà ở tốt, điện nước tốt cho các khu tập thể cùng nhà trẻ, mẫu giáo và khu vui chơi trong các mỏ. Các bạn Liên Xô hứa trang bị thêm cho khu mỏ hệ thống phát thanh, truyền thanh, thông tin liên lạc hiện đại. Bác nghe nói như nhiều người thích chiếc loa Liên Xô có chiết áp vặn to nhỏ. Các chú thưởng cho những người thợ có năng suất cao những chiếc loa ấy, họ sẽ rất phấn khởi.

      Bác Hồ lắng nghe mọi ý kiến của lãnh đạo khu ủy và ngành than, Người nhấn mạnh: Ngày trước, Đảng tổ chức cho anh chị em trí thức đi “Vô sản hóa” mới giúp nổ ra cuộc đình công long trời của hơn hai vạn thợ mỏ, buộc chủ mỏ và chính quyền Pháp phải tăng lương, giảm giờ làm, bảo đảm an toàn lao động. Nay, Đảng của giai cấp công nhân chủ trương đào tạo trí thức ngay trong đội ngũ tiên phong mà thợ mỏ là sự khởi đầu cho công nghiệp hóa, cơ khí hóa, hiện đại hóa rồi mở rộng ra cả nước. Khu ủy và Đảng bộ ngành than phải luôn tự rèn luyện, tu dưỡng cùng trí thức hóa với thợ mỏ. Nếu không, chính họ sẽ đào thải các đồng chí.

bho2


      Năm 1960 tại Đại Hội Đảng toàn quốc lần thứ III, Bác Hồ đã biểu dương phong trào thi đua “phá kỷ lục” của mỏ than Cọc Sáu nhờ cán bộ đã cùng làm, cùng bàn bạc với công nhân, lắng nghe mọi ý kiến của công nhân và đáp ứng mọi nhu cầu sinh sống, học tập của mọi người.

      Khi thảo luận mục tiêu đặt ra cho ngành than vào năm 1965 phải đạt sản lượng 5 triệu tấn than, Bác Hồ hỏi Tổng Giám đốc Trịnh Nguyên: 5 triệu tấn có cao quá không? Ông Nguyên thành thực đáp: Thưa Bác, nếu căn cứ vào công suất thiết kế ba mỏ cơ khí lộ thiên đã có 3 triệu tấn, các mỏ hầm lò, mỏ nhỏ cũng có thể đạt trên 2 triệu tấn nếu mở rộng tốt diện khai thác. Bác ôn tồn nói: Bác hiểu ý chú, thực ra chỉ cần đạt được 80% công suất thiết kế đã khá. Các chuyên gia đánh giá rất cao trình độ tay nghề và nhiệt tình lao động của thợ lái máy xúc, máy khoan, lái xe vận tải mỏ, nhưng họ than phiền chúng ta chuẩn bị sản xuất chưa tốt, sự phối hợp giữa các khâu còn lúng túng, tùy tiện, không những năng suất thấp mà còn gây lãng phí điện năng, nguyên nhiên liệu, vệ sinh công nghiệp chưa tốt, nhất là ô nhiễm môi trường. Nếu để lâu sẽ trở thành thói quen rất khó sửa chữa. Theo các chuyên gia, cần đổi mới cơ cấu tổ chức, đổi mới cung cách quản lý, điều hành mới đẩy nhanh được sản lượng. Tháng 8 năm nay, Chính phủ sẽ ban hành quyết định thành lập Tổng Công ty Than với 8 xí nghiệp hạch toán độc lập, chú sẽ là Tổng Giám đốc đầu tiên của ngành than đấy; có làm được không ? Ông Trịnh Nguyên khẽ đáp: Bất cứ việc gì Bác giao cháu cũng xin nỗ lực làm hết sức mình. Bác thủng thẳng tiếp: Hiện nay chúng ta rất thiếu cán bộ vì phải chia lửa, chia sức với miền Nam. Có nhiều ý kiến không nên để nhiều tỉnh nhỏ mà phải nhập một số tỉnh có điều kiện địa lý liền kề hỗ trợ nhau, tỉnh Hải Ninh nhập với Khu Hồng Quảng chú thấy có tốt không? Ông Trịnh Nguyên vui mừng đáp: Bể than Đông Bắc kéo dài từ Đông Triều Yên Tử đến mũi Sa Vĩ , cửa khẩu Móng Cái thì bề thế lắm! Bác cười: Nhưng chú sẽ mất chức Chủ tịch ủy ban, có lưu luyến không ? Ông Nguyên trả lời: Dạ không, cháu kiêm hai chức thực ra cũng có nhiều mâu thuẫn khó giải quyết nên nhiều việc phải nhờ các Phó Chủ tịch lo giúp. Vậy là rất tốt - Bác nói và cho biết định đặt tên Quảng Ninh cho tỉnh mới - nghĩa là vùng đất rộng giàu đẹp, yên bình. Đầu năm 1962, Bác đích thân dẫn anh hùng vũ trụ Ti Tốp đi thăm Vịnh Hạ Long, đặt tên Ti Tốp cho một hòn đảo thơ mộng. Người nói: Anh hùng Ti Tốp đã chinh phục vũ trụ bằng những tiến bộ phi thường của khoa học kỹ thuật Xô Viết. Công nhân mỏ Việt Nam đang làm chủ những thiết bị hiện đại nhất của công nghệ khai khoáng Xô Viết nên hãy dũng cảm, sáng tạo hơn nữa, chinh phục chiều sâu lòng đất, khai thác thật nhiều than cho tổ quốc. Muốn cơ khí hóa, hiện đại hóa đất nước phải có đội ngũ công nhân được trí thức hóa. Đó là điều anh hùng Ti Tốp và Bác đã trao đổi rất nhiều điêu bổ ích trên Vịnh Hạ Long .

bho3
Đầu tư công nghệ hiện đại trong khai thác than

      Ngành kinh tế gương mẫu

      Sau chiến thắng 5/8/1964, quân dân miền Bắc bắn rơi 5 máy bay Mỹ, bắt sống tên giặc lái Mỹ đầu tiên trên Vịnh Hạ Long, Bác Hồ càng phấn khởi khi nghe Tổng công ty Than báo cáo đã sản xuất được trên 3,2 triệu tấn than sạch.

      Bác quyết định về vui Tết Ất Tỵ 1965 với công nhân mỏ và quân dân Quảng Ninh. Bác giơ cao hòn than lấp lánh về phía hàng vạn người đứng chật kín bãi biển trước Trường Trung học Hồng Gai: Than là vàng đen của Tổ quốc, là nguồn năng lượng quý báu cho phát triển công nghiệp hiện đại. Than của ta không những cho nhiệt lượng cao mà còn có thể chế biến ra nhiều sản phẩm hóa than rất giá trị. Bác rất vui mừng khi công nhân mỏ đã sản xuất được 3,2 triệu tấn than sạch. Quân dân Quảng Ninh lại góp phần quan trọng vào chiến thắng, bắt sống tên giặc lái Mỹ đầu tiên, nâng tầm vóc trận thắng đầu trên không của Việt Nam với toàn thế giới…

      Bác trao cho công nhân, cán bộ ngành than lá cờ thi đua luân lưu mỗi quý bình chọn một lần, quý đầu tạm giao cho than Đèo Nai vì Đèo Nai sản xuất giỏi, chăm lo đời sống tốt, có nhà ăn Than Trụ được đông công nhân khen ngợi. Bác mong toàn thể công nhân mỏ và quân dân Quảng Ninh vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, đón xuân mới đầm ấm, vui tươi.

      Từ đó, phong trào thi đua giành cờ luân lưu của Bác sôi động khắp ngành than trong nhiều năm liền với những tiêu chí rất cao, không chỉ vượt kế hoạch mà còn phải bảo đảm an toàn, an ninh, có nhiều sáng kiến cải tiến, tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề.

bho4
Đời sống thợ mỏ luôn được quan tâm

      Tuy nhiên, do tình hình chiến tranh leo thang, máy bay Mỹ liên tục ném bom hủy diệt, tình hình sản xuất than có lúc bị chững lại.

      Năm 1968, Bác biết các mỏ gặp nhiều khó khăn nên đã giao cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng nhiều Bộ trưởng trực tiếp giải quyết mọi vướng mắc. Đặc biệt, cũng trong năm đó, gần đến Ngày Hội Truyền thống ngành than 12/11, Bác rất muốn về vùng mỏ nhưng sức khỏe yếu, Bác không thể đi xa được. Bác quyết định mời đoàn đại biểu ngành than và quân dân Quảng Ninh lên gặp Bác tại Phủ Chủ tịch.

      Dù Bác đã thức chuẩn bị bài nói khá dài, rất sâu sắc và tâm huyết, nhưng khi vào họp Bác lại không đọc mà thân mật thăm hỏi từng đại biểu, nghe họ tâm sự nhiều chuyện ở mỏ. Cuối cùng Người nói: Bác đã chuẩn bị sẵn cho các cô, các chú và báo chí văn bản bài viết của Bác như món quà nhỏ của tấm lòng Bác gửi đến mọi gia đình công nhân cán bộ ngành than.

      Người viết: “Sản xuất than trì trệ có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do tổ chức kém, quản lý điều hành kém… Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc, toàn thể công nhân, cán bộ phải có tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết chiến, quyết thắng rất vững; phải đoàn kết, đồng tâm, tất cả vì một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc… Đẩy mạnh ngành than trở thành một ngành kinh tế gương mẫu và tỉnh Quảng ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp…”.

      Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng, toàn dân và những di huấn riêng của Người dành cho ngành than, 50 năm qua, công nhân, cán bộ ngành than đã không ngừng tự đổi mới, tự đào tạo để đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng than ngày càng rất lớn, gấp 50 lần ngày đầu tiếp quản, gấp 12 lần so với ngày Bác về vui Tết với thợ Mỏ./.

NQ (ST)

Nguồn tin: congthuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây