Vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đối với quá trình thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
Thứ tư - 31/01/2024 15:5812.6740
Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vô cùng to lớn trong lịch sử Cách mạng Việt Nam, điều đó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng.
Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - người đã trực tiếp chuẩn bị về mặt tổ chức, chính trị tư tưởng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời chủ trì Hội nghị thành lập Đảng.
Giữa lúc dân tộc ta đang đứng trước khủng hoảng về đường lối cứu nước, nhiều nhà yêu nước đương thời tiếp tục lựa chọn con đường cứu nước theo lối cũ thì đồng chí Nguyễn Ái Quốc bằng trí tuệ và nhãn quan chính trị sắc bén đã ra đi tìm đường cứu nước theo phương hướng mới.
Dưới ánh sáng của Cách mạng tháng Mười Nga, Đề cường về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin và ảnh hưởng của cuộc đấu tranh thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Chủ nghĩa Mác - Lênin - chân lý Cách mạng của thời đại đã sớm được khẳng định trong nhận thức tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc. Người xác định con đường giải phóng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam là: Giải phóng giai cấp vô sản mới thực sự giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của Cách mạng Thế giới.
Từ khi trở thành người cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã xúc tiến mạnh mẽ việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào giải phóng dân tộc và phong trào vô sản ở các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Người đồng thời cũng chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho Cách mạng Việt Nam, đặc biệt là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Về mặt tổ chức
Năm 1921, đồng chí Nguyễn Ái Quốc cùng với một số chiến sỹ cách mạng ở các nước Algieri, Magadasca, Senegal, Tuynidi, Maroc… sáng lập ra Hội liên hiệp thuộc địa ở Pari, trong đó Hội người Việt Nam yêu nước ở Pháp làm nòng cốt nhằm tập hợp lực lượng chống chủ nghĩa thực dân.
Tháng 6/1923, đồng chí Nguyễn Ái Quốc rời Pháp đến Matxcova để tham dự Hội nghị Quốc tế nông dân lần thứ nhất (10/1923), đồng thời trực tiếp học tập, nghiên cứu kinh nghiệm Cách mạng tháng Mười Nga và Chủ nghĩa Mác - Lênin.
Ngày 17/6/1924, đồng chí được Trung ương Đảng Cộng sản Pháp ủy nhiệm tham gia Đại hội lần thứ V Quốc tế Cộng sản. Sau đó tham gia các Đại hội Quốc tế Công hội đỏ, Quốc tế Phụ nữ, Quốc tế Thanh niên, Quốc tế cứu tế đỏ. Tại các Đại hội Quốc tế nói trên, đồng chí Nguyễn Ái Quốc tiếp tục làm rõ những quan điểm của mình về vai trò lịch sử của giai cấp vô sản thuộc địa, về mối quan hệ giữa phong trào cách mạng ở thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc và nêu rõ sự cần thiết phải thủ tiêu hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc trước khi xóa bỏ hệ thống thối nát này trên toàn thế giới.
Ngày 11/11/1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu. Người đã cùng những nhà lãnh đạo Cách mạng Trung Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Thái Lan, Inđônêxia… thành lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông.
Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trong đó có tổ chức trung kiên là Cộng sản đoàn làm hạt nhân để trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị điều kiện cho việc thành lập chính đảng của giai cấp vô sản Việt Nam. Người đã trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện, đào tạo được hơn 200 cán bộ cách mạng. Trong số này có nhiều người được lựa chọn để đi học tại trường Đại học Phương Đông ở Liên Xô, có thể kể đến các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập…, một số được cử vào học tại trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) như Trương Vân Lệnh, Phùng Chí Kiên, còn phần lớn được đưa về nước hoạt động cách mạng. Người cho ra tờ báo Thanh niên làm cơ quan tuyên truyền của Hội.
Về mặt chính trị tư tưởng
Thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc tố cáo tội ác của thực dân Pháp đối với nhân dân các nước thuộc địa.
Người viết nhiều bài đăng trên các Báo: Người cùng khổ, Đời sống công nhân, Nhân đạo, Tạp chí Cộng sản, Thư tín quốc tế. Đặc biệt nổi bật là tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” được Người viết năm 1925 đã gây được tiếng vang và ảnh hưởng lớn đến phong trào yêu nước ở trong nước và các nước thuộc địa…
Trong nội dung các bài báo, các tác phẩm, Người đều tập trung lên án chủ nghĩa thực dân, vạch trần bản chất xâm lược, phản động, bóc lột, đàn áp, tàn bạo của chúng. Người tố cáo đanh thép trước Thế giới và nhân dân Pháp tội ác tày trời của chủ nghĩa thực dân Pháp đối với các nước thuộc địa và thức tỉnh lòng yêu nước, ý chí phản kháng của các dân tộc thuộc địa.
Bản án chế độ thực dân Pháp là tác phẩm lý luận đầu tiên của Cách mạng nước ta, góp phần truyền bá Chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam. Nhờ tác phẩm đó và các bài viết của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, nhân dân ta trước hết là những người trí thức tiểu tư sản yêu nước, tiến bộ đã hướng về và tiếp thu Chủ nghĩa Mác - Lênin.
Thứ hai, Nguyễn Ái Quốc phác thảo đường lối cứu nước, thể hiện tập trung trong tác phẩm “Đường Kách Mệnh”.
Đầu năm 1927, cuốn Đường Cách Mệnh gồm những bài giảng của Người trong các lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu, được Bộ Tuyên truyền của Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông xuất bản. Trong tác phẩm quan trọng này, đồng chí Nguyễn Ái Quốc nêu ra những tư tưởng cơ bản về chiến lược và sách lược của Cách mạng Việt Nam.
Tác phẩm phân tích những hạn chế của Cách mạng Tư sản ở Mỹ (1776), ở Pháp (1789) và khẳng định chỉ có Cách mạng tháng Mười Nga là cuộc cách mạng triệt để.
Đường Kách Mệnh chỉ rõ đối tượng đấu tranh của Cách mạng Việt Nam là tư bản đế quốc chủ nghĩa, phong kiến địa chủ; đồng thời chỉ rõ động lực và lực lượng cách mạng: công nông là gốc cách mệnh, còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ… chỉ là bầu bạn cách mệnh của công nông.
Đường Kách Mệnh chỉ rõ cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, cần được sự giúp đỡ quốc tế nhưng “muốn người ta giúp cho thì trước hết mình phải tự giúp mình cái đã”. Mối quan hệ giữa cách mạng chính quốc và cách mạng thuộc địa có mối quan hệ khăng khít với nhau. Phải thực sự liên minh chiến đấu giữa các lực lượng cách mạng ở thuộc địa và chính quốc. Đặc biệt Người chỉ rõ, cách mạng thuộc địa có tính chủ động, độc lập, có thể giành thắng lợi trước cách mạng chính quốc, góp phần đẩy mạnh cách mạng ở chính quốc.
Đường Kách Mệnh khẳng định, muốn đưa cách mạng đến thắng lợi trước hết phải có Đảng cách Mệnh. Đảng có vững cách mạng thì mới thành công, Đảng cần lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam.
Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên và tác phẩm Đường Kách Mệnh đã trực tiếp chuẩn bị về chính trị tư tưởng, và tổ chức cho việc thành lập chính đảng vô sản ở Việt Nam. Dẫn đến sự ra đời của các tổ chức cộng sản ở Việt Nam đó là: Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929), An Nam Cộng sản Đảng (7/1929), Đông Dương Cộng sản liên đoàn (9/1930).
Nguyễn Ái Quốc chủ trì hội nghị hợp nhất các tổ chức Đảng
Sự ra đời của ba tổ chức cộng sản lúc bấy giờ là một xu thế tất yếu của cách mạng Việt Nam. Các tổ chức cộng sản trên đã nhanh chóng xây dựng cơ sở đảng trong nhiều địa phương và trực tiếp lãnh đạo tổ chức nhiều cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân. Phong trào công nhân kết hợp chặt chẽ với phong trào của nông dân chống sưu cao thuế nặng, chống cướp ruộng đất, phong trào bãi khóa của học sinh, bãi thị của tiểu thương, tạo thành một làn sóng mạnh mẽ đấu tranh cách mạng dân tộc dân chủ trong khắp cả nước.
Nhưng trong một nước có ba tổ chức cộng sản cùng hoạt động riêng rẽ, công kích lẫn nhau, tranh giành ảnh hưởng của nhau tạo ra một trở ngại lớn cho phong trào cách mạng. Tình hình đó nếu để kéo dài sẽ có nguy cơ dẫn đến sự chia rẽ lớn. Yêu cầu cấp thiết lúc bấy giờ là phải có một Đảng cộng sản thống nhất trong cả nước.
Trước tình hình đó, với tư cách là phái viên của Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề phong trào cách mạng ở Đông Dương đã thống nhất các lực lượng cộng sản ở Việt Nam để thành lập một Đảng duy nhất.
Từ ngày 03 đến ngày 07/02/1930, tại Cửu Long, Hương Cảng, Trung Quốc đã diễn ra Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản Đảng. Đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt Quốc tế Cộng sản chủ trì Hội nghị. Tham gia Hội nghị có 02 đại biểu Đông Dương Cộng sản Đảng, 02 đại biểu của An Nam Cộng sản Đảng.
Sau 5 ngày làm việc khẩn trương, Hội nghị hoàn toàn nhất trí tán thành thống nhất các tổ chức cộng sản để thành lập một Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc dự thảo. Nhân dịp thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã viết lời kêu gọi công nhân, nông dân, binh lính, học sinh, anh chị em bị bóc lột hãy gia nhập Đảng, đi theo Đảng để đánh đổ đế quốc Pháp, phong kiến An Nam và tư sản phản Cách mạng làm cho “nước An Nam được độc lập”.
Tóm lại, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã gắn liền với vai trò vĩ đại của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, thể hiện rõ ở các vấn đề sau đây:
Thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc là người Việt Nam đầu tiên tiếp thu học thuyết chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời, hướng cách mạng Việt Nam đi theo con đường đó và giúp cách mạng Việt Nam thoát khỏi bế tắc đường lối cứu nước. Người đầu tiên gắn chặt ngọn cờ độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Thứ hai, bằng phương pháp cách mạng đầy tính khoa học, sáng tạo và tinh thần cống hiến quên mình, Nguyễn Ái Quốc đã tạo ra hệ thống giao thông liên lạc bí mật, rất chặt chẽ, đa chiều từ nước ngoài về Việt Nam và ngược lại. Kết quả là Người đã truyền bá thành công chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, đánh lùi các tư tưởng cứu nước sai trái. Tuyển chọn và đào tạo nên đội ngũ cán bộ cộng sản đầu tiên cho cách mạng Việt Nam.
Thứ ba, bằng uy tín và sự chuẩn bị chu đáo của mình, Nguyễn Ái Quốc đã thống nhất thành công các tổ chức cộng sản ở Việt Nam, thành lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam. Tạo sự thống nhất về tư tưởng, chính trị và tổ chức trong phong trào đấu tranh cách mạng. Đây là những điều kiện thiết yếu để đưa cách mạng Việt Nam đi đến thành công.
Thứ tư, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng nghĩa với việc Nguyễn Ái Quốc đã phá tan sự đơn độc tồn tại lâu đời, thiết lập nên sự đoàn kết, thống nhất hành động giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng các nước Đông Dương. Đặc biệt là đưa cách mạng Việt Nam trở thành một bộ phận khăn khít của cách mạng thế giới.
Như vậy, sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 03/02/1930 là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc trong thời đại mới; là sản phẩm của sự kết hợp Chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, là kết quả của quá trình lựa chọn, sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử, là kết quả của quá trình chuẩn bị đầy đủ về chính trị, tư tưởng và tổ chức của các chiến sỹ cách mạng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta./.
Thái Bình
Ghi rõ nguồn "Than Thống Nhất - TKV" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này!