Cộng nối thời gian công tác trong quân đội để tính hưởng BHXH

Thứ ba - 16/10/2018 20:16 2.826 0
Ngày 04/10/2018 vừa qua, Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Ninh ban hành công văn số 2561/BHXH-CST về việc hướng dẫn cộng nối thời gian đi bộ đội đối với người lao động. Cụ thể:
(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
1. Đối với trường hợp phục viên, xuất ngũ trước ngày 31/12/1994
      - Khoản 2 Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 của Chính phủ quy định: "Quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15 tháng 12 năm 1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế (bao gồm cả người làm việc tại y tế xã, phường, thị trấn, giáo viên mầm non hoặc người giữ các chức danh ở xã, phường, thị trấn trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đã được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội) và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động mà không hưởng chế độ trợ cấp theo quy định thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an trước đó với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính hưởng bảo hiểm xã hội".
      "Trường hợp quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc từ ngày 15 tháng 12 năm 1993 đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 mà chưa giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian tham gia quân đội, công an nhân dân được tính hưởng bảo hiểm xã hội"
.

      - Về hồ sơ: Điểm 1.6, Khoản 1, Phụ lục 01 ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT thì thành phần hồ sơ để cộng nối thời gian trong quân đội để hưởng BHXH bao gồm:
+ Quyết định: phục viên hoặc xuất ngũ hoặc thôi việc;
+ Giấy xác nhận chưa hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg ngày 11/4/2002; Điểm a Khoản 1 Điều 1 Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005; Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29/4/2005; Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 02/10/2008; Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06/5/2010; Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010 và Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ;
+ Quyết định về việc thu hồi Quyết định hưởng chế độ và số tiền trợ cấp một lần theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008 và Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ đối với cán bộ xã (nếu có).
+ Giấy xác nhận chưa giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên, BHXH một lần đối với trường hợp quân nhân, công an nhân dân phục viên, xuất ngũ, thôi việc từ ngày 15/12/1993 đến ngày 31/12/1994.

      Trường hợp bị mất hồ sơ gốc, không còn quyết định phục viên, xuất ngũ, để có căn cứ tính hưởng thời gian tham gia quân đội nếu đơn vị cũ đã giải thể, sáp nhập không sao lục được Quyết định phục viên, xuất ngũ thì đơn vị quản lý cấp trên (cấp Quân khu trở lên) xác nhận thời gian công tác trong quân đội; hoặc thủ trưởng cơ quan đơn vị trực tiếp quản lý giải trình rõ lý do bị mất, đồng thời xác nhận về quá trình công tác có đóng BHXH và chịu trách nhiệm trước pháp luật về những xác nhận đó, kèm theo các giấy tờ liên quan đến thời gian công tác có đóng BHXH, tính chất công việc, diễn biến tiền lương, chưa nhận trợ cấp phục viên, xuất ngũ, thôi việc, trợ cấp BHXH một lần, báo cáo Bộ Quốc phòng gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định theo quy định tại Khoản 11, Điều 23 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân.

2. Đối với trường hợp phục viên xuất ngũ từ 01/1995 đến 31/12/2006 (theo quy định tại Nghị định 45-CP ngày 15/7/1995 của Chính phủ).
      Tại Khoản 2, Điều 3, Chương I, Điều lệ BHXH đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội nhân dân và công an nhân dân, ban hành kèm theo Nghị định số 45/CP ngày 15/7/1995 của Chính phủ hướng dẫn và quy định như sau: "2. Đối với quân nhân, công an nhân dân thuộc diện hưởng sinh hoạt phí (bản thân không phải đóng BHXH) được hưởng hai chế độ trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp và chế độ tử tuất".

      Tại Điểm 2, công văn số 993/BHXH-CĐCS ngày 26/4/2002 của BHXH Việt Nam về tính thời gian công tác hưởng BHXH đối với hạ sỹ quan, chiến sỹ Quân đội sau 15/12/1993 quy định: "2. Kể từ ngày 01/01/1995 trở đi theo quy định tại Điều lệ Bảo hiểm xã hội đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội nhân dân Việt Nam và công an nhân dân ban hành kèm theo Nghị định 45/CP ngày 15/7/1995, đối với hạ sỹ quan, chiến sỹ hưởng sinh hoạt phí bản thân không phải đóng bảo hiểm xã hội. Do vậy, thời gian phục vụ tại ngũ không được tính đê hưởng bảo hiểm xã hội".

3. Đối với trường hợp phục viên xuất ngũ từ 01/01/2007 trở lại đây (theo quy định của Luật BHXH số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006)
      - Tại Tiết a, Điểm 4, Khoản IV, Mục A tại Thông tư liên tịch số 148/2007/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH ngày 14/9/2007 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 68/2007/NĐ-CP ngày 19/04/2007 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân, công an nhân dân quy định: "Hạ sỹ quan, binh sỹ phục vụ tại ngũ có thời hạn rồi xuất ngũ ngay thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội ứng với thời gian phục vụ tại ngũ để tính hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần, hoặc bảo lưu trên sổ bảo hiểm xã hội chỉ tính từ khi Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực thi hành (từ tháng 01/2007 trở đi)".
      Điểm 2, Mục C tại Thông tư liên tịch số 148/2007/TTLT-BQP-BCA- BLĐTBXH quy định: "Hạ sỹ quan, binh sỹ phục vụ có thời hạn, nhập ngũ từ 01/01/2007 trở về sau, hạ sỹ quan, binh sỹ tại ngũ đang đào tạo tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý và học sinh cơ yếu đào tạo về kỹ thuật, nghiệp vụ mật mã do Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý thì toàn bộ thời gian là hạ sỹ quan, binh sỹ hoặc thời gian đào tạo về kỹ thuật, nghiệp vụ mật mã hoặc chuyển tiếp sang diện hưởng lương trong các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an trước hoặc sau ngày 01/01/2007 được tính để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định tại Mục 4 và Mục 5 Chương II của Nghị định số 68/2007/NĐ-CP".

      - Về hồ sơ:
+ Quyết định nhập ngũ hoặc Quyết định phục viên hoặc xuất ngũ;
+ Sổ BHXH hoặc Tờ rời BHXH hoặc Giấy xác nhận thời gian đóng BHXH trong quân đội của BHXH Bộ Quốc phòng (nếu có);

      Căn cứ các quy định trên, các đơn vị chủ động hướng dẫn cho người lao động, đồng thời lập hồ sơ theo quy định tại Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và các hồ sơ tại mục 1 hoặc 3 công văn này chuyển BHXH tỉnh để làm cơ sở cộng nối thời gian tham gia BHXH của người lao động./.

CTV

Ghi rõ nguồn "Than Thống Nhất - TKV" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây