Chuyện ở quán cắt tóc

Thứ bảy - 21/07/2018 15:37 1.832 0
Chẳng “nhà cao, cửa rộng”, cũng chẳng in biển tên lòe loẹt như mấy tiệm làm đầu, nhưng chẳng hiểu sao, quán cắt tóc nho nhỏ của ông Quang lại được nhiều người ghé thăm đến thế. Dù chỉ là cắt tóc nam, nhưng khách cứ ra vào không ngớt, trẻ con có, trung niên cũng có. Túc tắc, mỗi đầu, ông lấy 20 - 25 ngàn, cũng dư dả tiền chợ hàng ngày.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

      Hôm nay, tranh thủ lúc quán vãn khách, ông làm ấm trà ngon với mấy tờ báo thể thao để lên cái bàn uống nước. Chốc chốc, cả mấy ông hàng xóm, anh xe ôm quen mặt lại đến ngồi buôn chuyện với ông.

      Nhấp ngụm chè rồi khà một tiếng, ông hàng xóm “vào đề”:

      - Này, các ông, ở Công ty X vừa rồi lại xảy ra thêm một vụ trộm phế liệu rồi “tuồn” ra ngoài đấy.

      - Thế á? - Anh xe ôm há hốc miệng - Mới cách đây có mấy tháng cũng ở Công ty này có vụ bắt quả tang tại trận mà chú.

      - Ừ, thì thế mới nói. Sao bọn trẻ bây giờ chúng nó liều thế chứ. Được mấy đồng tiền phế liệu cũ mà giờ mất việc rồi đấy. Khổ quá.

      - Khổ gì chú, chắc là có “tình báo” rồi. Người ta cũng phải theo dõi lâu rồi mới ra tay chú ạ.

      - Tao chẳng biết, nghe đâu chúng nó chia chác không đều nên mới nảy sinh như thế. Chứ cũng chả tự nhiên mà chạy ra “tóm dính” tại trận được.

      Câu chuyện râm ran bên ấm nước chè, chỉ ông Quang không nói gì, mặt đăm chiêu thở dài. Các đây cũng gần 2 chục năm, ông Quang cũng là bảo vệ kho dầu cho một đơn vị mỏ lộ thiên. Một ngày, có một tên liên lạc với ông, mời ông tham gia vào “đường dây” bán dầu mà bọn hắn đang làm. Ông Quang nhất định không chịu. Chúng mê hoặc ông bằng “kẹo ngọt”: Khi thì biếu ông cái TV màu 14 inch, lúc lại là con xe dream Thái. Nói không ngoa, thời ấy mà có mấy món đó thì cỡ cũng phải như đại gia bây giờ. Mua chuộc ông không được, chúng chuyển sang người đồng nghiệp của ông. Và rồi một ngày, chúng hùa nhau bày trò lừa ông đi kiểm tra khu vực khác. Khi ông quay trở lại, chúng không những tuồn được một khối lượng lớn dầu liệu ra ngoài mà còn đáp mắm tôm khắp trạm gác của ông.

      Cũng vì cái chuyện đó, ông bị đuổi việc…

      - Đến mà sầu cả não chú ạ - Giọng anh xe ôm cắt ngang suy nghĩ của ông Quang - Kiếm tiền đúng là chả bao giờ dễ dàng.

      - Chú mày nói đúng. Nhưng cũng không hẳn là chúng nó làm thế vì tiền đâu. Ông Quang bấy giờ mới lên tiếng.

      - Không vì tiền thì là vì cái gì hả bác?

      - Hây dà, chú mày làm xe ôm, xong một “cuốc”, khách cứ xuống xe là trả tiền, có thấy sướng không? Người ta cũng vậy. Lao động cả tháng mới được thấy bảng lương, bây giờ mỗi ngày được cầm tiền tươi thóc thật, lại là nguồn kiếm thêm ngoài lương nữa, tiêu đỡ xót ruột chứ sao. Với cả…

      - Với cả gì nữa bác?

      - Với cả, có những thứ, nó đã thành “khối ung nhọt” khó chữa rồi. Người ta làm việc ở đó, ít nhiều bất đắc dĩ cũng phải nhắm mắt cho qua. Người đi trước in lằn vết bánh xe, người đi sau cũng lại theo con đường đó, thành “quen” đấy.

      - Tôi thì chả biết mấy cái đấy - Ông hàng xóm rít một hơi thuốc lào - Nhưng ông có công nhận với tôi là bọn trẻ bây giờ nó liều không? Thời buổi đồng tiền mất giá, có công việc ổn định đàng hoàng, giờ mất rồi.

      Ông Quang hít một hơi thật sâu, vỗ đùi ông hàng xóm lấy đẹt một phát:

      - Ông rõ khéo lo. Chúng nó còn trẻ, còn tay chân đầy đủ, sợ gì không kiếm ra tiền. Nhà con bé Luyến đấy, chồng nó làm đào lò ở Xây lắp mỏ, nó chả có công ăn việc làm gì mà vẫn bán hàng mỹ phẩm trên mạng được đấy thôi. Còn vợ chồng Huy - Hằng nữa. Thằng Huy nó làm trên mặt bằng mỏ Mông Dương lương cũng tàng tàng. Hai đứa nó bàn nhau nhập cá hồi về bán, cũng cháy hàng liên tục. Chỉ cần có ý chí rồi việc gì cũng thành hết. Hà hà hà….

      Kết thúc câu chuyện, mọi người đều trở lại với công việc của mình. Ông Quang giũ lại tấm khăn phủ, choàng vào người vị khách mới vào. Bên cạnh những chiếc kéo, tông đơ đã nhuộm màu năm tháng, một tờ báo của ngành Than đưa tin, trên các mỏ than, người ta đã áp dụng hệ thống cấp phát nhiên liệu tự động, mong muốn loại bỏ hoàn toàn con đường “từ bình ra can” của những giọt dầu. Chỉ thấy ông liếc nhìn trang báo rồi khẽ mỉm cười…

Ngọc Quý (ST)

Nguồn tin: Truyện ngắn của An Nhiên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây