Tiên tri & hiệu triệu trong thơ chúc tết của Bác Hồ xuân 1968

Thứ năm - 15/02/2018 23:07 1.372 0
Nét đặc biệt xuyên suốt các bài thơ chúc Tết của Bác Hồ là thơ Tết vui nhưng là một chủ trương, một hiệu triệu và nhiều bài mang tính tiên tri.

      Bài thơ chúc Tết của Bác Hồ 1968 toát lên tinh thần ấy nhưng nó còn có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng hơn vì chủ trương của Bộ Chính trị, đặc biệt là Hội nghị Bộ Chính trị tháng 12 năm 1967 và Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (tháng 1-1968), Bác Hồ chủ trì các cuộc họp này, đã thông qua kế hoạch mở cuộc Tổng công kích - tổng khởi nghĩa trên toàn miền Nam trong tết Mậu Thân 1968. Toàn văn bài thơ như sau:

"Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta".

(Thơ chúc Tết của Bác Hồ 1968)

      Mở đầu bài thơ, Bác Hồ viết: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”. Năm 1968 là năm đặc biệt quan trọng vì chủ trương của Bộ Chính trị và quân ủy Trung ương đã thành nghị quyết là đánh Mỹ trên toàn miền Nam ngay từ giao thừa Tết Mậu Thân. “Hơn hẳn mấy xuân qua” là chỗ đó. Tinh ý ra, ta sẽ nhận thấy tính chất đặc biệt quan trọng của bài thơ Xuân 1968 và tinh thần chủ đạo của lời hiệu triệu ấy ngay từ câu thơ đầu. Nhưng phía Mỹ Ngụy, dù cơ quan tâm lý chiến có chiết tự đến mấy cũng không thể phát hiện ra tính chất đặc biệt quan trọng của hiệu triệu ấy vì Tết năm nào Bác Hồ cũng đều có thư chúc Tết để củng cố niềm tin cho đồng bào cả hai miền Nam Bắc. Chúng tưởng năm nay cũng có hiệu triệu như mọi năm, nhưng kẻ địch không nhận ra được rằng thơ chúc Tết của Bác Hồ là một chủ trương lớn của riêng một năm. Năm 1968 phải là năm bản lề cho thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

      Câu thứ hai, Bác viết: “Thắng trận tin vui khắp nước nhà”. Câu thơ là hồi kèn xung trận, một lời tiên tri cho năm 1968, một lời chúc Tết có màu hồng hoa đào và khẳng định một niềm tin cho toàn thể quốc dân đồng bào hai miền Nam Bắc, nhất là lúc đó ở miền Bắc còn có hàng vạn cán bộ miền Nam tập kết đang nóng lòng muốn về lại miền Nam để chiến đấu và xây dựng quê hương.

      Câu thứ ba Bác viết: ”Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”. Đây là lời cổ vũ, có tính chất kêu gọi và khích lệ động viên làm nức lòng cán bộ và chiến sĩ khi mùa Xuân về trên khắp các mặt trận ở miền Nam và hậu phương bao la của miền Bắc xã hội chủ nghĩa đang chi viện lớn cho chiến trường.

      Câu thứ tư Bác viết: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”. Với ta, câu thơ kết là một dự báo, một lời hiệu triệu như một khẩu hiệu, một hồi kèn xung trận hừng hực khí thế chiến đấu trong trận đánh cuối cùng. Với cán bộ chiến sĩ ta trên các mặt trận miền Nam và hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, rõ ràng đó là lời Bác khẳng định “Toàn thắng ắt về ta”. Với địch, có mắt cũng như mù. Chúng cứ nghĩ, đây chỉ là lời hiệu triệu chung chung cho không khí Tết. Chúng làm sao biết được ta đã bí mật đến giờ phút cuối cùng để khi trên đài Tiếng nói Việt Nam, đúng phút giao thừa thiêng liêng nhất của dân tộc, khi Bác Hồ đọc hết câu thơ: “Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta”, tất cả các mặt trận trên toàn miền Nam đều đồng loạt nổ súng tổng tiến công.

      Bác Vũ Kỳ, thư ký cho Bác Hồ kể về phút giao thừa năm 1968 bên cạnh Bác như sau: “... Có tiếng pháo nổ ran tiễn Đinh Mùi đón Mậu Thân. Cùng lúc, từ chiếc đài bán dẫn, lời chúc Tết của Bác Hồ vang lên sang sảng: Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua... Trong căn phòng vắng chỉ có hai người... Khi Đài đọc xong câu cuối của bài thơ “Tiến lên toàn thắng ắt về ta” tôi bỗng nghe Bác nói khẽ: “Giờ này miền Nam đang nổ súng…”. Phải đến gần hết sáng mồng Một Tết Mậu Thân, mới có tin chiến thắng báo cáo Bác Hồ: “Đánh khắp miền Nam”. Ánh mắt Bác rực sáng niềm vui.”

      Xuân Mậu Tuất 2018 đang về. Bên tai tôi như vang lên văng vẳng giọng đọc thơ sang sảng của Bác Hồ năm xưa: Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta.

Hà Nội, Mùa Xuân Mậu Tuất 2018.
Lê Tuấn Lộc

(ST)

Ghi rõ nguồn "Than Thống Nhất - TKV" và dẫn đến URL nguồn tin khi phát hành lại thông tin từ website này!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây